Thứ trưởng Công thương: Tăng giá điện sau Tết để tránh tâm lý

author 09:20 03/03/2015

“Các yếu tố cấu thành giá điện đều tăng vọt từ lâu. Tuy nhiên, để tránh tác động tâm lý tới người dân thời điểm Tết Nguyên đán, nên lộ trình tăng giá mặt hàng này được lùi lại vào sau Tết”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời xoay quanh lộ trình điều chỉnh giá điện trong nước thời gian tới.

Trả lời báo chí tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lần này đều nằm trong phạm vi từ 7-10% và trong khung giá quy định. Do đó, theo quy định hiện hành Bộ Công thương sẽ thẩm định đề xuất này và sẽ quyết định có chấp thuận với đề xuất tăng giá của EVN hay không.

Giá điện chắc chắn sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới

“Hiện Bộ Công thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất và sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015” – Bộ trưởng Nên cho biết.

Bổ sung thêm về các đề xuất điều chỉnh tăng giá điện tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói, đáng lý đã đủ cơ sở để tăng giá điện trước Tết do các yếu tố cấu thành giá điện đều tăng vọt. Tuy nhiên, để tránh tác động tâm lý tới người dân thời điểm Tết Nguyên đán, nên lộ trình tăng giá mặt hàng này đã được lùi lại vào sau Tết.

Dẫn chứng về các yếu tố cấu thành giá điện đã và đang tăng mạnh, ông Hải nêu cụ thể như giá than bán cho điện đã tăng 22% từ tháng 7/2014; giá khí đã tăng tới 4 lần kể từ ngày 1/1/2014 đến nay; chưa kể thuế tài nguyên cũng đã tăng từ 2 lên 4%, rồi giá mua điện từ các nhà máy có công suất dưới 30 MW và tỷ giá cũng đã tăng… Chính những yếu tố này buộc đầu ra giá thành điện sẽ phải tăng theo.

Riêng với yếu tố tác động là giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, không tác động nhiều tới chi phí sản xuất điện, bởi yếu tố này chỉ chiếm 0,55% sản lượng điện sản xuất.

Chưa kể, giá thành sản xuất điện của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Phillippin, Thái Lan… đang cao gấp 2-3 lần so với Việt Nam. Cụ thể, hiện mỗi kWh điện trong nước có giá 7,7 cent thì tại Singapore là 21,3 cent/kWh hay Thái Lan là 10,65 cent/kWh…

“Chính giá thành đầu ra ngành điện quá thấp cũng là một nguyên nhân quan trọng không hấp dẫn được các nhà đầu tư đổ vốn vào ngành này và cũng khiến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp điện gặp khó khăn, chậm trễ. Trong tháng 3 phương án điều chỉnh giá điện sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ”- người phát ngôn Bộ Công thương nhấn mạnh.

Hồi đầu năm nay 3 phương án điều chỉnh giá điện được cơ quan điều hành đưa ra, đó là tăng 7,5%, 8,5% và 9,5%. Trong đó phương án điều chỉnh cao nhất tới 9,5% nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ bộ, ngành liên quan với lý do phải đưa giá điện tiệm cận thị trường. Còn tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, lãnh đạo EVN than vãn tập đoàn này đang gánh lỗ tới 16.800 tỷ đồng.

Theo Infonet

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang