Thủ tục chuyển nhượng công ty cổ phần khi chưa góp đủ vốn cam kết

authorLan Ninh 06:31 24/10/2016

(VietQ.vn) - Tôi muốn làm thủ tục chuyển nhượng công ty cổ phần cho 2 nhà đầu tư, tuy nhiên công ty tôi chưa góp đủ vốn cam kết. Chúng tôi cần làm thủ tục gì?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Nguyễn Hải An (Hà Nội): Công ty chúng tôi muốn làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần cho 2 nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan). Tuy nhiên, theo đăng ký kinh doanh (từ năm 2007), công ty tôi đăng ký vốn điều lệ là 100 tỷ, hiện tại chỉ mới góp vốn được 9,8 tỷ (Tỷ lệ góp vốn ông A : 2 tỷ, bà B : 2 tỷ, công ty C 5,8 tỷ, ông A đứng tên đại diện công ty. Nay chúng tôi muốn chuyển nhượng cổ phần và làm thủ tục giảm vốn điều lệ từ 100 tỷ xuống còn 9,8 tỷ, chỉ giữ lại ông A 5%, số cổ phần còn lại chuyển nhượng cho công ty TQ 50%, công ty Đài Loan 45%. Trong trường hợp này chúng tôi cần làm những thủ tục gì, và hiện tại giảm vốn điều lệ sẽ bị phạt như thế nào? Và có được giảm vốn điều lệ không?

Thủ tục chuyển nhượng công ty cổ phần khi chưa góp đủ vốn cam kết

Thủ tục chuyển nhượng công ty cổ phần khi chưa góp đủ vốn cam kết. Ảnh minh họa 

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2014, vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Như vậy, tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, tổng giá trị mệnh giá cổ phần được đăng ký mua là 100 tỷ, tuy nhiên vốn đã góp chỉ là 9,8 tỷ. 

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014:

"1. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua

3.Nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này."

Căn cứ theo quy định này, công ty bạn đã không tiến hành góp đủ số vốn như đã đăng ký và cũng không tiến hành điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá cổ phần đã được thanh toán đủ trong thời hạn pháp luật quy định. Việc xử phạt công ty bạn được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ_CP quy định:

"Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký."

Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ_CP về biện pháp khắc phục hậu quả: "c) Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này". Như vậy, công ty bạn sau khi nộp phạt thì có thể tiến hành thủ tục đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, cổ phần (cụ thể là giảm vốn điều lệ) của các cổ đông cho đúng với số vốn đã góp (9,8 tỷ). Thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 78/2015/NĐ_CP, công ty bạn gửi hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bạn đăng ký doanh nghiệp.

- Quyết định và bản sao hợp lệ của đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ

- Cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn

- Thông báo thay đổi tỷ lệ vốn góp (nội dung thông báo bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các giấy tờ chứng thực cá nhận của các cổ đông; vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đã thay đổi, thời điểm và hình thức giảm vốn; giấy tờ chứng thực cá nhân và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty)

- Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.

Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Có được chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ vừa nghỉ thai sản(VietQ.vn) - Tôi nghỉ thai sản 6 tháng, sau 6 tháng tôi đi làm lại, tuy nhiên tôi được công ty thông báo sẽ chấm dứt HĐLĐ với tôi sau 60 ngày kể từ ngày báo.

Về vấn đề chuyển nhượng cổ phần, các cổ đông của công ty bạn chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người khác số cổ phần mà mình đã thanh toán, không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần phổ thông sáng lập được thực hiện được thực hiện như trường hợp chuyển nhượng thông thường, do đã hết thời hạn bị hạn chế theo quy định tại khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, bạn lưu ý, để được nhận chuyển nhượng cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật Đầu tư.

Thủ tục chuyển nhượng cổ phần: Các bên mua, bán chuyển nhượng cổ phần cần phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ như:

- Giấy chứng nhận cổ phần của người bán;

- Hợp đồng mua bán cổ phần hợp lệ;

- Giấy đề nghị Chuyển nhượng hợp lệ (đối với chuyển nhượng cho công ty/doanh nghiệp);

- Giấy nộp tiền phí Chuyển nhượng và thuế thu nhập cá nhân tạm tính (đối với chuyển nhượng cho công ty/doanh nghiệp);

- Giấy chứng minh nhân dân (CMND)/ hộ chiếu hợp lệ hoặc Giấy đăng ký kinh doanh (của hai bên mua bán chuyển nhượng cổ phần).

Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cổ phần, doanh nghiệp tiến hành thay đổi đăng ký doanh nghiệp để ghi nhận sự thay đổi về tỷ lệ cổ phần và thay đổi về cổ đông. 

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng Luật sư Trịnh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang