Thủ tục hành chính rắc rối vì luật?

author 06:50 25/08/2013

Thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư vẫn luôn được đánh giá là một trong những khâu trì trệ nhất gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chính vì vậy, nghiên cứu và đánh giá về cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư đã được lựa chọn là nội dụng đầu tiên của Ban Cải cách quy định hành chính liên quan đến DN (Ban I) thuộc Hội đồng tư vấn CCTTHC.

 

Theo nhiều DN, việc thực hiện các thủ tục hành chính  khác xa so với luật định cũng như báo cáo của các cơ quan chức năng

 

Theo ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC, kiêm Trưởng Ban 1, Ban đã thực hiện nghiên cứu, tiếp thu và đánh giá quy trình TTHC thực hiện dự án đầu tư tiến tới chuẩn hóa quy định đầu tư, hình thành bộ thủ tục đầu tư thống nhất cả nước. Tránh tình trạng mỗi địa phương lại có một TTHC về đầu tư khác nhau, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của cả nước.

Thủ tục tạo áp lực cho nhà đầu tư

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay nguồn lực đầu tư công đã đến ngưỡng. Muốn có nguồn lực để phát triển không còn cách nào khác là chúng ta phải huy động nguồn lực đầu tư từ DN tư nhân, DN FDI. Tháo gỡ gánh nặng về TTHC có thể được xem là giải pháp hữu hiệu đầu tiên cho vấn đề này. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát trên 8.000 DN trong nước và trên 1.500 DN FDI của VCCI, TTHC về đầu tư, đất đai, xây dựng đang bị đánh giá là các thủ tục khó khăn hàng đầu đối với DN trong và ngoài nước. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện nay quy định pháp luật về quy trình thực hiện đầu tư phức tạp, chồng chéo và không thống nhất. Riêng giai đoạn đầu tiên khi bước vào thị trường, các nhà đầu tư đã phải thực hiện 18 TTHC. Không những vậy, trong các TTHC này còn có các TTHC con, TTHC cháu.

Một mặt, các nhà đầu tư vừa phải đứng trước một hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn khổng lồ, một rừng TTHC. Mặt khác, hệ thống văn bản lại thiếu quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện đầu tư, quy định ưu đãi đầu tư chưa nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Quy định của pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc và hay thay đổi.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), các nghiên cứu của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau cùng chung một kết quả là các TTHC hiện nay rất phiền hà, rắc rối đặc biệt trên lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều tới việc đột phá trong CCTTHC. Ông Cung chia sẻ: “tuy nhiên, phải hiểu thế nào là đột phá? Chúng ta muốn có những cải cách mang tính đột phá thì phải cải cách nhanh trên quy mô lớn. CCTTHC vẫn đang dừng ở việc nói nhiều chứ chưa làm được bao nhiêu”.

Đồng tình, từ thực tiễn hoạt động đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp -  Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu VN cho rằng, hiện nay, TTHC chỉ cần cải cách một chút thôi cũng đã khó, DN không dám mong đợi có sự đột phá. Thực tế, việc thực hiện các TTHC khác xa so với luật định cũng như báo cáo của các cơ quan. Đơn cử như thủ tục chấp thuận đầu tư, các cơ quan hành chính thì nói thời gian thực hiện từ 30 - 60 ngày. Tuy nhiên, hầu hết các DN phải thực hiện hàng năm trời.

Là người đã trực tiếp thực hiện rất nhiều dự án, ông Hiệp cho biết, kỉ lục dự án thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư tốn ít thời gian nhất đối với DN của ông là 14 tháng. Dường như có một nghịch lý là hệ thống văn bản pháp luật càng hoàn chỉnh thì càng nhiều văn bản được ban hành khiến các nhà đầu tư không biết đâu mà lần. DN trong nước khi thực hiện thủ tục đã như lạc vào “ma trận”, không biết DN nước ngoài thì sẽ thế nào? Nhà đầu tư không thể tiên lượng được phải mất bao nhiêu thời gian để thực hiện rừng thủ tục. Chính vì vậy, nhà đầu tư luôn phải chịu rất nhiều rủi ro.

Chia sẽ khó khăn với nhà đầu tư, ông Nguyễn Duy Hoàng – Cục phó Cục Kiểm soát TTHC nhận xét, hầu hết mọi rủi ro đều đổ lên đầu nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư hầu như không có cơ chế bảo vệ trước những rủi ro.

Rắc rối từ... luật

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, dưới tác động của Luật Đầu tư và các văn bản, chính sách thì đầu tư trong và ngoài nước đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên sau 8 năm vận hành, Luật Đầu tư cùng với các văn bản liên quan đến đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định chồng chéo, văn bản hướng dẫn không đồng bộ dẫn đến việc các địa phương khác nhau thì trình tự đầu tư khác nhau.

Như vậy, cùng với sự bất cập về Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, TTHC trong thực hiện dự án đầu tư chồng chéo và phức tạp đang khiến suy giảm sức cạnh tranh về thu hút đầu tư của VN. TS Vũ Tiến Lộc đưa ra lời cảnh báo, trong tương quan so sánh trên thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN, môi trường đầu tư kinh doanh của VN đang ngày càng giảm sút. Nếu như trước đây chúng ta từng là nơi thu hút hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài và ở ASEAN thì hiện nay chúng ta đang có một vị trí khá khiêm tốn. Do đó, cũng theo ông Lộc, để tăng cường năng lực cạnh tranh trên lĩnh vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan phải nhanh chóng được sửa đổi. TTHC về đầu tư cũng phải đảm bảo được tính minh bạch, thống nhất và dễ áp dụng cho các nhà đầu tư. Đây là yêu cầu cấp bách để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hùng Huế - Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Kiểm soát TTHC đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: Bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lặp, chồng chéo nội dung xét duyệt của các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư. Cục Kiểm soát TTHC cũng đề nghị bãi bỏ thủ tục chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp dự án đầu tư không phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Có những TTHC vốn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nhưng từ trước đến nay vẫn đẩy về cho nhà đầu tư. Cục Kiểm soát TTHC đã đề nghị thay đổi theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện như: việc nộp trích lục bản đồ địa chính hay không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trích đo địa chính khu đất đối với những khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500…

Vẫn còn nhiều thách thức

CCTTHC mới chỉ là một nửa của nhiệm vụ, điều quan trọng là cải cách việc tổ chức thực hiện TTHC. Đại diện Cục Kiểm soát TTHC cũng kiến nghị một số giải pháp như: thực hiện công khai thông tin về kết quả giải quyết TTHC trong thực hiện dự án đầu tư; thiết lập và duy trì hoạt động của cổng thông tin phản ánh, kiến nghị, tham vấn và báo cáo kết quả giải quyết về TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện liên thông giải quyết TTHC trong thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra việc thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền cũng phải được tăng cường. Nếu phát hiện cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu phải xử lý kịp thời và nghiêm khắc…

 

CCTTHC là điều kiện cấp bách để thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Cung, nếu chỉ dựa vào bộ máy hành chính để CCTTHC thì không thể có hiệu quả. CCTTHC cần có áp lực từ bên ngoài. Ví dụ như các tổ chức xã hội dân sự đứng ra chủ trì việc CCTTHC. Thông tư mà CIEM đang soạn thảo được kì vọng sẽ không chỉ nằm trên giấy mà sẽ đi vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của DN.Theo ông Nguyễn Đình Cung, CIEM đang chủ trì nghiên cứu soạn thảo một thông tư liên tịch về cải cách thủ tục đầu tư. Ban soạn thảo đang xây dựng lại một quy trình về thủ tục. Qua đó, ban soạn thảo phải xem xét lại ý nghĩa pháp lý của từng thủ tục là gì? Từ việc chuẩn hóa lại tên gọi từng thủ tục đến việc xem lại xem thủ tục nào trùng lắp… Những thủ tục nào không liên quan đến nhau thì DN có thể cùng lúc thực hiện song song để đỡ tốn thời gian. Ông Cung cũng kiến nghị các địa phương có thể thành lập các hội đồng gồm nhiều sở, ban, ngành. Hội đồng này có thể cùng một lúc xét duyệt nhiều thủ tục và nhiều dự án giống nhau.

 

Với tư cách là đại diện Ban soạn thảo, ông Cung cho biết, hiện ban soạn thảo đang đứng trước nhiều thách thức. Rất nhiều bộ luật đang trong quá trình sửa đổi nên có thể mâu thuẫn với các quy định của thông tư. Hơn nữa mỗi luật lại do một bộ chủ trì soạn thảo mà các bộ thì rất thiếu sự gắn kết trong công tác ban hành luật. Một thách thức quan trọng là tư tưởng được - mất. CCTTHC thì có thể có lợi cho DN nhưng những người thực hiện TTHC có thể mất đi một số thứ. Do đó, họ sẽ tìm cách cản trở…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:  Cần lưu ý tụt hạng môi trường đầu tư
 
Chính phủ luôn xác định CCTTHC là nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh... vì sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Hội đồng Tư vấn CCTTHC cần có những đánh giá chính xác, khách quan thông qua các hoạt động thực tế. Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác truyền thông trong quá trình CCTTHC nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng và giám sát của đông đảo nhân dân để hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn.
 
Mặc dù Đề án 30 đã được người dân, DN ghi nhận, song TTHC vẫn còn rườm rà, khó khăn. Cần lưu ý xếp hạng về môi trường đầu tư của Việt Nam năm ngoái đã tăng song năm nay lại bị tụt đến 16 bậc, chủ yếu là do TTHC.

Bá Tú

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang