Thủ tướng: Bảo vệ nhưng không bảo hộ doanh nghiệp trong nước

author 10:13 11/01/2014

Ngày 10-1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, giai đoạn 2011 – 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.


Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%).

Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước tiếp tục tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt, khống chế được tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới, lập lại thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm, giảm thiểu tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, trong năm 2013 toàn ngành Công Thương đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012 với 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD tăng khoảng 15,4% so với năm 2012.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao đóng góp to lớn của ngành Công Thương đối với nền kinh tế chung của cả nước trong những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2013 mặc dù mức độ tăng chưa nhiều nhưng luôn trong xu hướng quý sau cao hơn quý trước. Trong bối cảnh khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu xuất khẩu bình quân 3 năm (2011-2013) vẫn tăng 22% là khá cao.

Thủ tướng mong muốn trong năm 2014 ngành Công Thương tiếp tục làm tốt hơn những thành tựu đã đạt được, khắc phục được những hạn chế.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Công Thương trong năm tới cần tập trung quyết liệt vào việc tăng cường quản lý nhà nước của bộ, ngành để tạo ra thể chế, cơ chế thuận lợi và hoàn thiện giúp cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường, góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương.

Trong lĩnh vực thương mại, ngành Công Thương cần làm tốt công tác bình ổn giá, góp phần vào kiểm soát lạm phát với những mô hình như ở TP.HCM được nhân rộng ra cả nước, làm lợi cho đất nước, người tiêu dùng, phục hồi sản xuất tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Công Thương nên giảm bớt chiến lược, quy hoạch. Thủ tướng nhắc nhở việc làm quy hoạch còn mất nhiều thời gian, chẳng hạn một quy hoạch còn mất từ 2 đến 3 năm. Thủ tướng cho biết, Bộ Công Thương mới trình chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng cũng không khác quy hoạch là mấy (cũng là định hướng, giải pháp…) mà tốn thời gian quá dài. Thủ tướng cho rằng, quản lý nhà nước phải có quy hoạch, định hướng, nhưng phải gắn với thị trường. Ngay cả quy hoạch được quản lý khá chặt chẽ, thường xuyên theo dõi là quy hoạch điện thì giờ vẫn phải điều chỉnh.

Thủ tướng cũng lưu ý rằng, hiện các nước đang áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước . Ví dụ như Mỹ cũng tìm cách để ngăn hàng dệt may, da giày, tôm, cá... Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ doanh nghiệp nhưng bảo hộ quá mức sẽ trở thành độc quyền.

Thủ tướng dẫn chứng, vừa qua, khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xin nhập khẩu 30.000 tấn đường vào tái chế để xuất khẩu nhưng Hiệp hội Mía đường Việt Nam có gửi công văn và chất vấn Thủ tướng làm thế nào để đường Việt Nam sống được. "Chống buôn lậu chỉ là ngọn, gốc rễ vấn đề là chúng ta làm sao cạnh tranh được khi đường làm ra chất lượng thấp. Làm sao kêu Chính phủ bảo vệ được trong khi mình năng suất mía chỉ đạt 60-70 tấn/ha còn các nước là 200 tấn/ha", Thủ tướng nói. Do vậy, muốn cạnh tranh được phải đưa công nghệ vào để chất lượng tăng lên, giá thành giảm xuống.

Theo Báo Hải Quan

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang