Thủ tướng: Con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ

author 06:32 16/01/2019

(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương việc Bộ đã tập trung chỉ đạo lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, qua đó đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận, tạo nhiều việc làm. Trong ngành, đã có doanh nghiệp tạo được thương hiệu, uy tín quốc tế.

Thủ tướng dẫn chứng đã có 4 doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh của Việt Nam đi vào hoạt động. Trong số đó, nhiều ông chủ trẻ tuổi, chịu khó mày mò nhiều năm liền và đã thành công.

“Chúng ta có 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ. Tuy số lượng nhỏ nhưng phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua”, Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh "con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao".

Mặc dù đánh giá Bộ TT&T đã có nhiều cố gắng trong năm qua nhưng Thủ tướng cũng cho rằng thứ hạng của Việt Nam ở các lĩnh vực mà Bộ TT&TT phụ trách còn thấp, thậm chí có lĩnh vực tụt hạng. Đơn cử, ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tàu thì vài năm gần đây chậm lại nhiều, từ đó dẫn đến thế mạnh của Việt Nam chưa được phát huy, chưa đi đầu về công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Mình phấn đấu quyết liệt, cải cách như vậy nhưng Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vẫn đánh giá độ sẵn sàng cho 4.0 của Việt Nam chưa đạt. Trách nhiệm của Bộ TT&TT là ở chỗ đó…Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT. Đó là nền tảng của mọi lĩnh vực khác, của kinh tế số. Việc tụt hạng là rất báo động”, Thủ tướng nhấn mạnh .

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT. Ảnh: Dân trí

Trước đó, theo báo cáo từ Bộ TT&T, năm 2018, công nghiệp ICT tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn ngành TT&TT với tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp ICT được định hướng để tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức, thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo ATTT và chủ quyền số quốc gia.

Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 89,9 tỉ USD (năm 2017 là 91,5 tỉ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỉ USD. Bộ đã làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT trên nguyên tắc kiến tạo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý.

Công nghiệp phần mềm tốc độ tăng trưởng 13,8%, doanh thu ước đạt 4.3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. 10.000 doanh nghiệp với 120.000 nhân lực. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, quyết tâm trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả các thiết bị viễn thông và xuất khẩu được.

Về công nghiệp 4.0, các công nghệ của cuộc cách mạng này có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, đưa công nghệ công nghiệp 4.0 phổ cập ở Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp công nghệ mà đầu tiên là các doanh nghiệp CNTT tiên phong trong lĩnh vực này.

CMCN 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam. Lễ ký kết sẽ diễn ra ngày 24/1/2019.

Đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0. Bộ cũng sẽ xin phép Chính phủ về cách tiếp cận sandbox trong lĩnh vực ICT, cho phép thử nghiệm những cái mới trong một không gian không gian, thời gian nhất định trước khi đưa ra các chính sách quản lý.

Bảo Lâm

Quản lý bán thuốc bằng công nghệ thông tin: 'Khó vẫn chồng khó'(VietQ.vn) - Việc ứng dụng CNTT trong bán thuốc còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang