Thủ tướng: Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành công thương

author 17:18 27/12/2019

(VietQ.vn) - Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm sự phát triển của ngành công thương; nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương ngày 27/12/2019.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành công thương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2019, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Với công tác điều hành hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng chung các chỉ tiêu của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với năng lực cạnh tranh các ngành hàng, năm 2019 ngành công thương đã đạt được thành quả ấn tượng: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD; Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ thông qua EVFTA và CPTPP; công tác quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố; Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia...

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành công thương là ngành ngành đóng góp đến 70% cho thu ngân sách nhà nước, góp phần đưa GDP năm 2019 của cả nước tăng trưởng trên 7%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kết quả này có sự đóng góp “không bàn cãi” của ngành công thương, của các doanh nghiệp trong ngành công thương.

Năm 2019, tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế đã lên đến 516 tỷ USD, là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD, đặc biệt cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có. Điều ấn tượng nữa là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng Việt Nam liên quan đến ngành công thương.

Nhìn nhận Bộ Công Thương là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại rất quan trọng và rất phức tạp, Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương 5 vấn đề.

Thứ nhất, ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; nhất là quy hoạch phát triển. Để làm những việc này, ngành công thương cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh.

Thứ ba, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển của ngành công thương, tiếp tục tạo ra sự thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần có cơ chế thu hút các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam.

Thứ tư, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, để tăng năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu nội địa lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, để “hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam”, không được để mất thị trường bán lẻ.

Thứ năm, phải tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu.

 
Năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu quan trọng đối với ngành công thương: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%.
 

Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất và tiêu dùng, xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chú trọng các thị trường tiềm năng. Tập trung xử lý những dự án thua lỗ kéo dài. Phải bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống. Đặc biệt, Bộ Công Thương phải đi đầu giải quyết vấn đề quy hoạch, không vì quy hoạch mà gây ách tắc cho phát triển. Có chủ trương, biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ.

Xác định năm 2020, khó khăn thách thức vẫn rất lớn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, toàn ngành Công Thương không chỉ cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn mà còn phải sáng tạo hơn, đổi mới hơn, khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm.

Với tinh thần quyết tâm, đổi mới, quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính và xây dựng thực hiện kiểm tra chuyên ngành, để đảm bảo những thủ tục kiểm tra chuyên ngành này không trở thành cản trở cộng đồng doanh nghiệp trong khai thác phát triển cũng như tiếp cận trong thương mại quốc tế, trong các hoạt động từ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối.

Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử 

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chính quy của hoạt động xuất khẩu, bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu. Đồng thời, tập trung phát triển thị trường trong nước, phát triển mạnh thương mại điện tử, tăng cường quản lý kiểm tra thị trường, phòng chống buôn lậu. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức khai trương thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu D điện tử.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang