Thủ tướng nêu 3 vấn đề nóng nổi cộm thời gian qua

author 10:09 02/07/2018

(VietQ.vn) - Tại Phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đang diễn ra, phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 3 vấn đề đang nổi cộm thời gian qua cần phải giải quyết.

Vấn đề thứ nhất mà Thủ tướng nêu là thiên tai đang rình rập, hoành hành. Thủ tướng nêu rõ, thiên tai không chỉ xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai mà còn xảy ra ở khắp các vùng, miền như các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Vấn đề thứ hai Thủ tướng nêu là tình hình an ninh trật tự. Thời gian vừa qua, một số vụ việc gây rối ở Bình Thuận đã gây bức xúc trong dư luận. Qua sự việc này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền để không xảy ra tình trạng kẻ xấu phản động, kích động nhân dân.

Vấn đề thứ 3 mà Thủ tướng nêu là việc xã hội bức xúc như: tai nạn giao thông, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tham nhũng, lợi ích nhóm…  được nhiều vị Đại biểu Quốc hội nêu trong Kì họp thứ V.

Theo Thủ tướng, những vấn đề xã hội nhức nhối đang diễn ra cần phải được giải quyết triệt để. Phải làm sau, lòng dân cần được quan tâm, cần có lợi ích chính đáng cho nhân dân và người dân được phục vụ một cách đầy đủ nhất.

 Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm nay, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả địa phương trên cả nước về tình hình kinh tế - xã hội.

Tại Phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tháng 6/2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.

Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747.000 tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%).

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực.

Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Theo đánh giá, đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.

Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.

Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính trên 800 tỷ đồng...

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả địa phương trên cả nước về tình hình kinh tế - xã hội.

Hội nghị nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.

Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục cập nhật…

Hoàng Lê

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang