Thủ tướng: Nông nghiệp phải đứng đầu ASEAN về xuất khẩu

author 07:11 24/12/2019

(VietQ.vn) - Ngành nông nghiệp phải tiếp tục cơ cấu lại, phấn đấu trở thành ngành xuất khẩu chủ lực. Trong đó, xuất khẩu năm 2020 đạt 43 tỷ USD, đến năm 2025 đạt 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và lọt vào Top 10 thế giới.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều ngày 23/12/2019 tại Hà Nội.

Thủ tướng tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, năm nay, toàn ngành đối diện 3 khó khăn, thách thức lớn: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát ở 63/63 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi; diễn biến thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu với những quy định mới, khắt khe và yêu cầu cao hơn của thị trường Trung Quốc...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành nông nghiệp đã triển khải quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, chú trọng khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2019, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, mở rộng thêm các thị trường tiềm năng. Nhờ vậy đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Saudi Arabia; 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài và vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc…

 
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so vói với năm 2018. Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%.
 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai rộng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2019, ngành đã coi trọng tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường, hình thành các vùng sản xuất lớn gắn với thị trường như các vùng cây ăn trái ở Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang, cá tra An Giang... Đặc biệt trong năm 2019 cũng đã có 40 nhà máy chế biến nông sản được đầu tư. Một số ngành hàng lớn, như chế biến rừng trồng, xuất khẩu gạo, trái cây có thương hiệu và có hiệu quả cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm;  Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi; lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao...

Về mục tiêu nông nghiệp năm 2020 và các năm sau, Thủ tướng yêu cầu, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn đối với nền kinh tế. Trong đó, năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; để cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp. Nhiều nhà máy chế biến khánh thành, nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Còn mục tiêu đến 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng Top 10 của thế giới. Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay, 35.000 HTX nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới.
 

Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Đặc biệt là quyết liệt lấy lại thẻ xanh thay cho thẻ vàng hiện nay của EC.

Xác định mục tiêu “xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh’, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong giai đoạn tới, ngành sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP).

Cùng với đó là kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang