Nâng cao quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu

author 11:03 27/03/2020

(VietQ.vn) - Mới đây tỉnh Thừa- Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay, các mặt hàng vật liệu xây dựng chất lượng và kém chất lượng đang được bày bán, phân phối tràn lan, trà trộn với nhau khiến khách hàng rất khó nhận biết để lựa chọn cho đúng.

Đặc biệt, đối với những khách hàng có ít kinh nghiệm trong việc kiểm định chất lượng, có xu hướng nghe theo quảng cáo, mời mọc từ các đại lý, việc mua phải hàng nhái càng dễ xảy ra hơn. Trong một số trường hợp, người mua có thể nhầm lẫn giữa các loại của cùng một vật liệu, không đáp ứng phù hợp nhu cầu sử dụng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của công trình.

Ngoài ra, một số đơn vị thi công hiện nay còn cố tình sử dụng các loại vật liệu xây dựng kém chất lượng nhằm phục vụ mục đích sinh lời của bản thân. Việc kê khai chi phí nguyên vật liệu cao, trong khi lại chọn mua vật liệu không chính hãng có giá thành rẻ hơn rất nhiều sẽ đem lại lợi nhuận hấp dẫn. Đây là trường hợp rất hay xảy ra trong các dự án hợp tác xây dựng.

Chính sự thiếu cẩn trọng, kiểm soát lỏng lẻo là lí do hàng đầu khiến cho vật liệu xây dựng kém chất lượng ngày càng trà trộn sâu vào các công trình xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích kinh tế của người sử dụng.

Thừa- Thiên Huế nâng cao quản lý chất lượng vật liệu xây dựng. Ảnh minh họa

Trước tình trạng trên, Nghị định số 95/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng có hiệu lực từ 10/2/2020, ghi nhận với nhiều điểm mới. Đặc biệt là việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ mới, giảm tác động đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên và tuân thủ đúng quy hoạch.

Thực hiện Nghị định này, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thừa- Thiên Huế đã có văn bản chỉ đạo (số 2258 /UBND-XD) giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp, UBND các huyện, các thị xã và thành phố Huế cần thực hiện nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng và quản lý chất lượng vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Cụ thể:

Về công tác quản lý hoạt động đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng

Đối với các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu như: Xi măng, vật liệu ốp lát (ceramic, granit, cotto, đá ốp lát nhân tạo, đá ốp lát tự nhiên), sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, vật liệu chịu lửa, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư cần xem xét kỹ về năng lực của chủ đầu tư. Cân đối cung cầu chủng loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn và khu vực. Tuy nhiên trước khi thực hiện điều này các bên có liên quan cần lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng và thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường như: Gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, đá, cát xây dựng...cần tuân thủ theo nội dung được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Đối với các dự án đầu tư mới, đầu tư cải tạo cần lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại; tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng thấp, góp phần tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng cần sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của từng dự án.

Kinh nghiệm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng tại Diesel Sông Công(VietQ.vn) - Nhờ đổi mới công nghệ, áp dụng hiệu quả các hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (DISOCO) tăng năng suất gấp 3 lần.

Về công tác quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng

Về công tác quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng, theo lãnh đạo Thừa - Thiên Huế, các đơn vị cần hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 về việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với hàng hóa là vật liệu xây dựng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng; kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng hóa vật liệu xây dựng lưu thông, sử dụng trên thị trường.

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang