Thức ăn mùa lễ hội tẩm bụi đường phố

author 07:16 21/02/2013

(VietQ.vn) – Đồ ăn bán la liệt lại các lễ hội như: cá chỉ vàng rán, mực nướng, nem chua rán, kem ốc quế, chè… dường như đều được “tẩm” thêm bụi đường, rất mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn.

Thức ăn “phơi mặt” hít bụi

Qua mấy ngày Tết, không khí vui chơi và đi lễ hội cầu may vẫn tràn khắp các tỉnh thành. Các lễ hội lớn như Chùa Hương, chùa Bái Đính, Yên Tử đã và đang thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan mỗi ngày.

Bên cạnh một số vấn nạn xảy ra bên lề của lễ hội như trộm cắp, chèo kéo khách, cúng thuê… thì việc các quán ăn được bày la liệt dưới lòng đường, không hề được che đậy bảo vệ gì khiến không ít người lo ngại.

Các loại chè thi nhau "hít bụi" đường

Theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam tại một số lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh hàng quán tại các lễ hội mọc lên như nấm. Dòng người đông đúc khiến các quán ăn tại đây cũng trở nên chật chội hơn nhiều.

Mặt hàng được bày bán khá đa dạng, phong phú như: cá chỉ vàng rán, mực nướng, nem chua rán, kem ốc quế, chè… Tuy nhiên, hầu như không một quán ăn nào dùng giấy bọc hoặc có tủ kính để che đồ ăn, để mặc cho bụi bặm bám đầy.

Không có dụng cụ gì bảo quản thức ăn

Không những thế, người bán hàng vẫn vô tư dùng tay không bốc bánh, rán cá hay lấy chè, kem cho khách. Bên cạnh đó, do địa bàn chật hẹp không đủ nước sạch nên nhiều quán bán chè, cháo, bún, miến… chỉ rửa bát qua loa, một xô nước rửa bát cho cả buổi hàng, bát thì chưa ráo nước đã mang ra phục vụ khách. Đó là chưa kể có hàng quán bán các loại nước ngọt, nước đậu nành đóng trong chai nhựa, không rõ hạn sử dụng.

Người bán cứ bán, người ăn cứ vô tư ăn mặc kệ bụi đất xung quanh từ dòng người đi bộ nườm nượp qua lại. Chị Hạnh (Hòa Đình, Võ Cường, Bắc Ninh) cho biết: “Ở nhà có đầy đồ ăn bọn trẻ có ăn đâu, ra đây thấy mọi người ăn lại cứ đòi cho bằng được. Mà chẳng lẽ đầu năm trẻ con đòi mình lại không cho, thế nên tôi cũng phải tìm quán nào nhìn sạch sạch một chút mới dám cho ăn”.

Vô tư ăn bụi, bẩn

Theo quan sát của PV, mặc dù các hàng quán không có dụng cụ gì che chắn nhưng khách vẫn cứ nườm nượp vào ăn. Nguyễn Thanh Tuấn, học sinh cấp 2 tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho hay: “Tiền mừng tuổi Tết bố mẹ vẫn cho em cầm một ít để tiêu. Em rất thích mỗi khi được ra hội chơi vì ở đó có nhiều món ăn, ở đây em tha hồ ăn cá chỉ vàng hay kem ốc quế”.

Tại một số lễ hội lớn như Chùa Hương, Yên Tử, các quán bán cơm, phở, thịt thú rừng bày bán ngay cạnh đường đi. Chị Thảo, đang ngồi ăn bát phở bên một quán ven đường tại Chùa Hương cho hay: “Sáng đi vội quá nên tôi cũng chưa kịp ăn uống gì, tranh thủ đến đây ăn tạm gì vậy. Cũng sợ mấy quán này họ làm không sạch sẽ, nhưng đành phải nhắm mắt cho qua chứ chẳng lẽ lại nhịn đói”.

Chủ quán không dùng găng tay làm đồ ăn cho khách

Mặc dù trước Tết Nguyên đán, 45/75 chủ quán kinh doanh hàng ăn tại đây đã được Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức, Hà Nội tập huấn; song mới chỉ có 13 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Như vậy khó ai có thể quản lý được chất lượng của các hàng ăn không có giấy phép chứng nhận còn lại.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, về kế hoạch đảm bảo ATVSTP trong dịp lễ hội năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các phòng y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện ở quận, huyện. Mục tiêu của ngành y tế là phải đảm bảo an toàn ATVSTP cho khách đến lễ hội, không để xảy ra ngộ độc lớn hoặc bùng phát dịch bệnh. Nếu để xảy ra ngộ độc, dịch bệnh thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho rằng, vấn đề đảm bảo ATVSTP còn phụ thuộc vào chính người kinh doanh thực phẩm. Bởi chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm vẫn còn nhẹ nên nhiều người vẫn cố tình đối phó, không tuân thủ.

Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân, du khách tham quan lễ hội cần phải thận trọng trước khi ăn uống thức ăn tại các lễ hội, đề phòng nguy cơ ngộ độc từ các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.  

Thu Huyền

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang