Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2021

author 06:34 02/01/2021

(VietQ.vn) - Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 như Quốc hội đề ra đòi hỏi quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị.

Năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhưng xét trong bối cảnh chung của toàn cầu đang chịu tác động của dịch Covid-19 thì đây lại là thành tích “đáng nể”. Theo đánh giá từ các chuyên gia, có 2 nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng trong năm qua là công tác chống dịch hiệu quả và vai trò điều hành của Chính phủ.

Trước hết về công tác phòng chống dịch hiệu quả. Ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 23/1/2020, Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.

Khi đợt dịch thứ hai bùng phát, chúng ta đã có thêm kinh nghiệm thực hiện giãn cách xã hội và chỉ tiến hành cách ly, giãn cách xã hội ở phạm vi hẹp hơn, qua đó giảm thiểu tác động bất lợi đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh. Nhờ đó, chúng ta vẫn duy trì được không ít không gian kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, ngay cả trong những thời điểm khó khăn của năm 2020.

Thứ hai đó là công tác chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trên các lĩnh vực vốn có “độ ỳ” lớn trong những năm qua. Đầu tiên, Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng cách “khơi thông” trách nhiệm của người đứng đầu với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền, để họ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công có sẵn và cải thiện hệ thống thông tin, tư vấn chuyên gia để hỗ trợ cho quyết định đầu tư một cách chuyên nghiệp hơn.

Tiếp theo Chính phủ đã hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp “trụ vững” qua những thời điểm khó khăn. Những vướng mắc về điều kiện tiếp cận hỗ trợ cũng được Chính phủ, các bộ, ngành lưu tâm, theo dõi để điều chỉnh, trên cơ sở tham vấn chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ đã không ngừng tạo dựng thêm không gian mới cho hoạt động kinh tế. Chính phủ đã chỉ đạo hiệu quả việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trao đổi với các đối tác về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh đại dịch để tạo cơ hội cho xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.

Cần tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19. Ảnh minh họa.

Năm 2021 Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6%. Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp. Việt Nam, với độ mở nền kinh tế cao, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Dù việc phát triển vắc-xin Covid-19 có thêm chuyển biến, tiến trình phổ biến vắc-xin này nhiều khả năng không hoàn thành trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 như Quốc hội đề ra đòi hỏi quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị.

“Theo tôi một số chính sách Chính phủ nên lưu tâm trong thời gian tới là: Theo dõi sát các diễn biến liên quan như đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trên các lĩnh vực, chuyển biến công nghệ... để có những cân nhắc, cập nhật kịch bản điều hành trong nước”, bà Hồng Minh nói.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp để cùng chung tay vượt qua thách thức, cùng tiến tới phục hồi kinh tế. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư. Khơi thông trách nhiệm hiệu quả hơn nữa để tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công trong năm 2021, làm hình mẫu cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ. Mặt khác, hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp để họ giữ được tinh thần hứng khởi đối với hoạt động kinh doanh.

Hoàn thiện những chính sách căn bản về hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối doanh nghiệp để thu hút FDI hiệu quả, tận dụng hiệu quả làn sóng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Đặc biệt, phát triển thị trường trong nước để tạo thêm cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhanh chóng phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, v.v.) để tạo thêm “sức nặng” cho thị trường trong nước, qua đó hướng doanh nghiệp nhiều hơn về “sân chơi Việt”, “khách hàng Việt”. Ngoài ra, không ngừng tìm kiếm thêm cơ hội từ xuất khẩu, thông qua nâng cao năng lực khai thác các FTA, đặc biệt là các FTA tương đối mới như CPTPP và EVFTA, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Kinh tế Việt Nam dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021(VietQ.vn) - Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5%, khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang