Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu

author 06:56 14/10/2018

(VietQ.vn) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thời gian qua, Chính phủ đề ra yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu.

Hàng loạt chính sách phát triển thị trường gạo

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến ngày 15/9/2018, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị 2,38 tỷ USD, tăng 24,8%.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,01% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, về công tác phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng gạo, Việt Nam xác định rõ mục tiêu, phương hướng cụ thể tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2010, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2017.

Theo đó, định hướng đặt ra với 4 mục tiêu cụ thể sau: Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu; Phát triển thị trường gạo xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian qua, cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua đạt tăng trưởng khá, chất lượng gạo được đối tác quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Langmoi.vn 

Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới để có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng; tạo diễn đàn để doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những kiến nghị về cơ chế, chính sách để thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất, thân thiện với môi trường trong sản xuất, thương mại gạo.

Thúc đẩy ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Liên quan tới vấn đề phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay, việc sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển.

Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.

Về hỗ trợ pháp lý, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh việc tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong tương lai, sản xuất lúa gạo, thương mại gạo khu vực và toàn cầu sẽ thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Tình hình chính trị - xã hội khu vực và thế giới nhiều diễn biến bất lợi, một số dịch bệnh mới xuất hiện có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, khả năng cung cấp lương thực và hoạt động thương mại gạo.

Chính vì thế, việc chú trọng vào ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là hướng phát triển đưa sản xuất lúa gạo vượt qua khó khăn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo Lâm

Gạo Việt Nam xuất khẩu đã tiếp cận được những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới(VietQ.vn) - Theo ý kiến của doanh nghiệp, sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được những tiêu chuẩn rất khắt khe đến từ các thị trường khó tính trên thế giới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang