Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, tạo động lực phát triển đất nước

author 07:02 03/08/2019

(VietQ.vn) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thúc đẩy tiêu dùng trong nước, góp phần phát triển sản xuất, tạo động lực phát triển đất nước.

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày 2/8/2019.

"Thúc đẩy tiêu dùng “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển đất nước. Nhiều hàng Việt Nam đã cạnh tranh được với khu vực, thế giới, chinh phục người tiêu dùng trong nước, chứ không chỉ dựa vào vận động, thuyết phục. Qua đó còn thấy được sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam, sự trưởng thành trong quy trình phân phối sản phẩm" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị luôn đạt mức trên 90%, đối với hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị luôn đạt mức trên 90%, đối với hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay, đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.

 
Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010 Việt Nam nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018 Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40 - 50%.
 

Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung-cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.

Sự lan tỏa của Cuộc vận động cũng như sự vào cuộc của các Bộ ngành, cơ quan, DN đã giúp nhận thức người tiêu dùng về hàng Việt Nam có nhiều chuyển biến. Bà Trương Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động thông tin, qua 10 năm triển khai thực hiện, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng Việt Nam đã có ý thức hơn trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Khẳng định những kết quả không thể phủ nhận của cuộc vận động, song Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ rõ, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mực khi triển khai thực hiện cuộc vận động. Vai trò của các hiệp hội, ngành nghề trong thực hiện cuộc vận động chưa cao; nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực sự hưởng ứng. Thực tế, một số mặt hàng Việt Nam chưa thu hút người tiêu dùng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra. Đây là điều rất nhức nhối, đánh vào uy tín hàng Việt, nền sản xuất của Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả cuộc vận động thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cuộc vận động cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa; chú trọng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao; phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng nhái, hàng giả.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang