Người dùng sẵn sàng mua thủy sản chất lượng cao nhưng nguồn gốc phải rõ ràng

author 06:31 09/10/2018

(VietQ.vn) - Chuyên gia nhận định, người dùng trong nước sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khá cao để mua thủy hải sản về dùng nhưng sản phẩm phải an toàn, nguồn gốc rõ ràng.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản phát tăng nhanh

Theo ông Trần Công Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), chế biến và thương mại thủy sản đang phát triển nhanh và khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Giá trị xuất khẩu của thủy sản luôn đứng đầu trong các mặt hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 25% và đứng thứ 4 các nước có số lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Năm 2010, xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 7 - 10%/năm, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ.

Cũng theo ông Khôi, trong sự phát triển chung đó, lĩnh vực chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa đã phát triển nhanh chóng. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, còn có khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản mỗi năm thu hút được khoảng 40.000 lao động.

“Tuy giá trị chưa cao như xuất khẩu nhưng sản phẩm thủy sản truyền thống đã góp phần làm phong phú nguồn thực phẩm cho trên 92 triệu người dân Việt và bình ổn giá thực phẩm của thị trường trong nước. Ngoài ra, tiêu thụ  thủy sản nội địa góp phần ổn định sản xuất thủy sản nói chung khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trên thị trường thế giới", ông Khôi cho biết.

Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng. Ảnh báo Giao thông 

TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, cơ hội cho ngành chế biến thủy sản trong nước là rất lớn khi tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam ở mức cao, khoảng 27kg/người/năm. Dự báo giá trị thủy sản chế biến tiêu thụ trong nước tăng bình quân 5,37%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Mức tiêu thụ trong nước năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn.

Ngoài ra, vốn đầu tư cho chế biến sản phẩm thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa cũng không nhiều. Vòng quay sản phẩm ngắn nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh tương đối cao... nên các doanh nghiệp dễ dàng tham gia.

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ thủy sản chưa tốt

Mặc dù có những bước phát triển mang tính bứt phá nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp, chuyên gia, việc phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản của Việt Nam hiện còn gặp một số khó khăn như vốn, đất đai, lao động, đào tạo. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát còn chồng chéo giữa các bộ ngành có liên quan …

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm thủy sản hiện còn chưa cao, không ổn định, ý thức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, sản phẩm chưa đáp ứng hết được yêu cầu chất lượng của người tiêu dùng. Đặc biệt, có doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguyên liệu do sản lượng khai thác ngày càng giảm, chi phí khai thác ngày một tăng gây lên nên tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng này....

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đào Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường Thủy sản, Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, hiện giá trị gia tăng của các sản phẩm thủy sản đang được cải thiện. Nếu như năm ngoái, số tiền thu về từ xuất khẩu thủy sản đạt 8,3 tỷ USD thì tiêu thụ thủy sản trong nước cũng đem về 1 tỷ USD.

“Trước đây, có doanh nghiệp thủy sản quan niệm thị trường trong nước dễ tính nên không chú ý nhiều tới chất lượng sản phẩm. Cứ cái gì ngon, an toàn thì đem đi xuất khẩu. Tuy nhiên, quan điểm này cần xem xét lại bởi người dùng trong nước cũng cần phải được sử dụng sản phẩm an toàn bằng hoặc thậm chí cao hơn so với sản phẩm xuất khẩu”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, tính minh bạch trong vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ thủy sản cũng chưa tốt. Ông Hiếu cho hay, giá cả nhiều khi không phải vấn đề lớn khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra 500.000 - 600.000 đồng để mua một cân cua, miễn sao sản phẩm đó an toàn. Tuy nhiên, thông tin về việc sản phẩm nguồn từ đâu, có an toàn hay không đều là mong muốn thiết yếu của người dùng.

Đại diện Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nói thêm, thời gian vừa qua, thủy sản xuất khẩu Việt Nam chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các thị trường nước ngoài từ hàng rào thuế quan đến hàng rào kỹ thuật. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đã coi thị trường nội địa là ‘cứu cánh’ trong trường hợp việc xuất khẩu gặp khó khăn.

Mặc dù vậy, việc phân phối sản phẩm thủy sản còn nhiều hạn chế do chủ yếu là đơn hàng lẻ tẻ, chi phí vận chuyển cao khiến giá thành sản phẩm bị đẩy tăng theo.

Bảo Lâm

Sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản có thể bị phạt tới 200 triệu đồng(VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mức xử phạt đến 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức vi phạm về sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang