Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ

author 11:12 07/11/2019

(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 999 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đề án có quan điểm là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo Đề án, Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Một điểm đáng chú ý trong đề án là Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ. Các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng được khuyến khích phát triển.

 Chính phủ đồng ý thử nghiệm cơ chế sandbox trong mô hình kinh tế chia sẻ

 Chính phủ đồng ý thử nghiệm cơ chế sandbox trong mô hình kinh tế chia sẻ

Liên quan đến cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ, vào sáng nay, Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” đã được tổ chức tại Báo Đầu tư. 

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, để tạo lập một cơ chế sandbox thế nào phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, cần có thêm nhiều góp ý, phản biện chính sách. Chủ đề của buổi Tọa đàm ngày hôm nay là “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” là nhằm góp phần thực hiện yêu cầu đó. Trong thời gian tiếp theo của buổi Tọa đàm, chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia trình bày các nghiên cứu của mình, các góp ý của mình để xây dựng cơ chế sandbox tại Việt Nam", ông Minh nói.

Theo ông Minh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Mặc dù vậy, nếu chúng ta nắm bắt và vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, thì Việt Nam sẽ tiến gần hơn một bước tới mục tiêu trở thành một quốc gia hùng cường trên trường quốc tế. 

Nhằm cụ thể hóa nhận thức và hành động, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. 

Nghị quyết 52 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Để làm điều đó, Nghị quyết 52 cũng chỉ rõ phải: “Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới…”

Ông Lê Trọng Minh đánh giá: "Việc đổi mới tư duy quản lý kinh tế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phù hợp, đặc biệt với những ngành kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, Fintech,… đòi hỏi những giải pháp quyết liệt từ tạo lập khung khổ chính sách tới hành động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó tư duy chấp nhận những cái mới chưa có tiền lệ là quan trọng nhất".

"Đây không chỉ là yêu cầu riêng rẽ tại Việt Nam, mà với kinh nghiệm quốc tế, khái niệm “điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox” đã được hơn 30 nước sử dụng sau khi ra đời tại Vương quốc Anh năm 2015. Thực tế đã chứng minh rằng, sandbox là cái nôi để cho các ý tưởng mới, các công nghệ mới có dư địa phát triển, các doanh nghiệp startup rất cần một môi trường như vậy", ông Minh cho biết thêm.

 Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Đức Thanh)

Còn theo ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) để hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia một loạt các vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý đã được đặt ra cần giải quyết. Do tính mới và các tác động của các quy định này cần được đánh giá để xác định mức độ ảnh hưởng đến các bên có liên quan nói riêng và xã hội nói chung, Sandbox là một cách tiếp cận có tính khả thi cao.

TS. Trần Thị Quang Hồng - Trưởng ban NCPL Dân sự - Kinh tế - Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, việc triển khai cơ chế sandbox đòi hỏi cơ quan quản lý phải vượt qua chức năng thực thi pháp luật thông thường và có sự chủ động nhất định trong việc tiến hành các biện pháp quản lý cụ thể. Đồng thời, sự chủ động đó phải có những ràng buộc nhất định để đảm bảo quá trình thử nghiệm được thực hiện công bằng, hiệu quả và đồng bộ, tránh lạm quyền, phục vụ được cho mục tiêu là không làm mất cơ hội ứng dụng công nghệ mới do các quy tắc pháp luật chậm được ban hành hay thay đổi, đồng thời qua đó xác định được các yêu cầu thay đổi pháp luật phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ công nghệ mới sau thử nghiệm. Đây là những vấn đề cần được giải quyết để thúc đẩy sự hình thành các cơ chế sandbox ở Việt Nam.

Ở phương diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Việt Bình - Đại diện Công ty CP CN và DV Moca cho biết, trong nửa đầu năm 2019, tổng giao dịch qua ví Moca mà doanh nghiệp này triển khai ứng dụng trên Grap đã tăng đến 150%; số người dùng tương tác hằng tháng tăng hơn 70%, đều là người dùng thường xuyên, trung thành của Moca với tần suất sử dụng ví rất cao.

Theo TS. Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, để thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ, hai giải pháp tập trung cho hai vấn đề cần thực hiện là tạo hành lang pháp lý cho cơ chế sandbox nói chung và thực thi cấp phép sandbox. 

Bùi Đạt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang