Thực hư tranh cãi về bản dịch 'Sông núi nước Nam' trong SGK lớp 7

author 14:40 12/11/2015

(VietQ.vn) - GS Nguyễn Khắc Phi - Tổng Chủ biên sách Ngữ văn lớp 7, tập 1 cho biết, Hội đồng thẩm định bộ sách này là các nhà giáo nhân dân nên Nhà xuất bản giáo dục và Bộ GD-ĐT không thể muốn đưa cái nào vào trong sách cũng được.

Theo tin tức từ báo Infonet, xung quanh bản dịch bài thơ: “Sông núi nước Nam” được đưa vào trong SGK lớp 7, khiến phụ huynh sốc khi không giống như bản dịch quen thuộc trước đây - Vốn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 đã lên tiếng về vấn đề này. 

Nếu trước đây, bài thơ: “Sông núi nước Nam” được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Bản dịch của Lê Thước - Nam TrânBản dịch của Lê Thước - Nam Trân. Ảnh: Dân Trí

Thì đến nay ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành lại in bản dịch như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Như vậy, từ 4 câu thơ quen thuộc với hàng triệu học sinh, phụ huynh nay các nhà làm sách đã chọn bản dịch khác, với 3 câu thơ sau khác so với bản dịch trước. Theo nhận định của nhiều phụ huynh, bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 10/11, GS Nguyễn Khắc Phi Tổng Chủ biên sách Ngữ văn lớp 7, tập 1 cho biết, bài thơ Nam quốc sơn hà tương truyền là của danh tướng Lý Thường Kiệt, ngay cả văn bản chữ Hán cũng có nhiều dị bản khác nhau, hiện có khoảng hơn 30 dị bản. Cho nên ở đây không phải là bản dịch mới, vậy bản dịch nào là cái cũ, ai là người dịch đầu tiên?... mọi người vẫn chưa biết.

Khi chọn các bản dịch để đưa vào sách chúng tôi cân nhắc rất kỹ nên dùng bản chữ Hán nào vì không có bản nào dịch hoàn thiện cả. Đây là văn bản cổ. Cuối cùng, chúng tôi chọn bản theo Đại Việt sử ký toàn thư.

GS Phi cho rằng, bản dịch phổ biến mà mọi người thuộc mặc dù nghe êm tai nhưng có chỗ chưa ổn. GS Phi cho biết thêm, người đưa ra thông tin về bản dịch gây xôn xao dư luận đã gọi điện xin lỗi. 

Để đưa bài thơ này vào sách, chúng tôi đã phải rất nhiều lần sang ĐH QGHN phản biện rằng bài này không phải là của Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, đây là vấn đề dân tộc nên cần đưa vào. Hơn nữa, tác giả dịch Nam Trân và Lê Phước là 2 nhà Hán Nôm học lớn của Việt Nam. Cụ Lê Thước là một bậc trí giả uyên bác,một trí thức cỡ lớn đầu thế kỷ 20 và Nam Trân là nhà thơ nổi tiếng, là người chủ trì dịch tập Ngục Trung nhật ký của Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trong sách cũng đã giới thiệu hai bản dịch khác nữa để học sinh tham khảo, là bản dịch của Ngô Linh Ngọc (trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1980) và một bản dịch trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng lịch sử.

Lưu Ly (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang