Thực phẩm bẩn bị bêu tên ở đâu?

author 10:38 11/05/2016

Tên cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn tại TP.HCM được công khai trên trang web http://atvstp.org.vn.

“Tại TP.HCM, nếu phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn thì hãy gọi ngay đường dây nóng của Chi cục ATVSTP TP.HCM qua số (08) 39301714” - ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, nhấn mạnh.

Công khai tên cơ sở sai phạm

Nếu xác định cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, Chi cục ATVSTP TP.HCM sẽ “xử” như thế nào, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, tất cả cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện ATVSTP còn bị công khai tên, địa chỉ, hành vi sai phạm, số tiền phạt… trên website http://atvstp.org.vn của Chi cục ATVSTP TP.HCM (chi cục). Việc công bố cơ sở sai phạm trên website của chi cục đã được thực hiện từ tháng 8-2015.

Không chỉ vậy, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người thì chi cục sẽ công bố ngay sau khi có kết luận chính thức.

Chi cục ATVSTP TP.HCM cũng thường lấy mẫu thực phẩm trên địa bàn giám sát và xét nghiệm để kịp thời cảnh báo người tiêu dùng. Vậy kết quả xét nghiệm có được công bố trên website của chi cục không?

+ Kết quả giám sát các mẫu thực phẩm cũng được công bố trên website của chi cục. Chẳng hạn, ngày 21-4, chi cục đã thông tin cảnh báo chất vàng ô trên măng tươi, măng khô.

 
Cơ quan chức năng lấy mẫu thịt bẩn kiểm nghiệm để có cơ sở xử lý.

Kết nối với quận, huyện

Các quận/huyện cũng có chức năng kiểm tra, thanh tra ATVSTP trên địa bàn. Vậy quận/huyện có công bố cơ sở vi phạm không?

+ Việc công bố cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm ATVSTP là điều cần thiết. Tuy nhiên, hầu như các quận/huyện TP.HCM chưa thực hiện việc công bố cơ sở sai phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, chi cục đang xây dựng phần mềm chương trình kiểm tra, thanh tra và xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hệ thống chương trình sẽ kết nối giữa chi cục và 24 quận/huyện. Sau khi có kết quả xử lý cơ sở sai phạm, các quận/huyện sẽ chuyển thông tin về chi cục và chi cục sẽ công bố trên website.

Không riêng cơ sở có quy mô lớn bị công bố, người dân cũng muốn “bêu tên” những điểm kinh doanh nhỏ lẻ bán thực phẩm ngoài chợ, bán thức ăn đường phố sai phạm lên bản tin của chợ, của khu phố, phường/xã, thậm chí trên hệ thống phát thanh địa phương. Ông nghĩ sao?

+ Tôi đồng tình với đề xuất của bà con. Đa phần điểm kinh doanh thực phẩm ngoài chợ, kinh doanh thức ăn đường phố vốn liếng không nhiều. Do vậy, nếu phạt tiền ở mức cao thì có thể người sai phạm không thể đóng. Hình thức răn đe hiệu quả nhất là nêu rõ tên người vi phạm, bán thực phẩm gì… lên bản tin của chợ, của địa phương, kể cả trên hệ thống phát thanh…

Tuy nhiên, áp dụng bất cứ hình thức nào thì cũng phải đúng pháp luật. Chi cục sẽ xem xét các quy định liên quan để sớm đề xuất hình thức “bêu tên” người vi phạm sao cho người dân có thể nắm bắt được những thông tin thiết thực nhất ở chợ, ở khu phố, phường/xã…

. Xin cám ơn ông.

Ngoài website của Chi cục ATVSTP TP.HCM, website của Sở Y tế TP.HCM (http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn) cũng đăng tải thông tin xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn TP. Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, Sở Công Thương TP.HCM cũng tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành ATVSTP. Tuy nhiên, hiện Sở NN&PTNT, Sở Công Thương chưa công bố vi phạm về thực phẩm bẩn lên website.

___________________________________

Luật đang “làm khó” dân

Trong bài “Thực phẩm bẩn: Bêu tên tận chợ, khu phố?” (Pháp Luật TP.HCM ngày 10-5), người dân TP.HCM đã đề xuất công khai những người chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn về tận nơi buôn bán của họ. Theo các luật sư, muốn làm được điều này thì cần sửa quy định.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH (Đoàn Luật sư TP.HCM): 

Quy định hiện hành xa với thực tiễn

Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định trường hợp vi phạm hành chính về ATTP mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc công bố chỉ được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm. Việc “bêu tên” qua loa phát thanh hay xuống tận nơi bán thì luật chưa có quy định. Nếu chưa có quy định thì cơ quan quản lý không thể làm.

Trong khi đó, không phải ai cũng có điều kiện lên các trang mạng hay đọc báo. Vì thế, các ngành chức năng nên bám sát thực tiễn cuộc sống để có những quy định, hướng dẫn tiệm cận mong muốn của dân và phù hợp thực tế.

Luật sư NGUYỄN THẾ THÔNG (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Có thể đưa vào quy chế hoạt động chợ

Quy định công bố công khai trên báo hoặc web nội bộ của cơ quan quản lý theo Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đang là “rào cản thông tin” đối với người tiêu dùng. Các bà nội trợ thường không có thời gian để lên mạng và đọc báo, chưa kể một số người không rành về công nghệ thì thông tin ở hai kênh nêu trên khó đến tai họ.

Cách tiếp cận thông tin về thực phẩm bẩn phải là những nơi gần gũi người dân nhất, ví dụ tại khu phố, phường, chợ… (chính người dân cũng đã đề xuất phương thức này). Vì vậy, cần sửa quy định về phương thức công bố thông tin thực phẩm bẩn. Cơ quan quản lý ATVSTP hãy đề xuất với cấp trên về cách thức công bố phù hợp hơn, chẳng hạn ban quản lý chợ và chính quyền cơ sở họp dân và các tiểu thương để thống nhất phương thức công bố, xem đó là một quy chế hoạt động tại chợ. Đồng thời có sự kết hợp với cơ quan báo chí, truyền thông để đưa tin đến với người dân.

>> Sốc với cách 'chặt chém' phí chung cư của đại gia Lê Thanh Thản

Theo PLO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang