Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: 'Quảng cáo một đằng, trách nhiệm một nẻo'

author 14:08 22/02/2021

(VietQ.vn) - Nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật nhưng đại diện công ty phủ nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho nhân viên và các đại lý kinh doanh.

Quảng cáo quá đà

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe C do Công ty Cổ phần chăm sóc sắc đẹp N. chịu trách nhiệm công bố sản phẩm, được phân phối độc quyền bởi Công ty CPĐT và KDTM TH.

Hiện nay, theo tìm hiểu của PV, sản phẩm này được quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội là “viên uống trắng da toàn thân”, có dấu hiệu vi phạm khi “nổ” công dụng để thu hút người tiêu dùng lầm tưởng đây là loại thuốc có khả năng điều trị nám da, tàn nhang và kích thích làm trắng da.

Như đã nêu trên, viên uống C chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế cấp cho hay, sản phẩm được phép quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng tính đàn hồi cho da; Hỗ trợ hạn chế quá trình lão hóa da, hạn chế sạm da và hỗ trợ da sáng mịn.

Tuy vậy, theo quảng cáo, viên uống trắng da nói trên là sự kết hợp của “bộ đôi siêu hoạt chất (Nano L-Cystine & Nano Collagen)” cùng nhiều dược liệu khác. Sản phẩm quảng cáo được “Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam hợp tác cùng các chuyên gia Pháp nghiên cứu”, có tác dụng làm bật tông sau 21 ngày sử dụng; chống tia UVA, UVB; tăng cường cả nội tiết tố nữ, tăng cường đề kháng da là “nổ” quá đà.

Đặc biệt, viên uống C còn sử dụng hình ảnh Bác sĩ Nguyễn Như Lan - Bệnh viện Da liễu Trung ương để quảng cáo rộng rãi, giới thiệu tác dụng. Trong quảng cáo còn nêu rõ vai trò và so sánh viên uống C được “nổ” là giải pháp làm đẹp an toàn, có tác dụng kép làm trắng da, bảo vệ da hiệu quả gấp hàng chục lần các viên uống được bào chế ở dạng thông thường khác.

Ngoài ra, viên uống nói trên còn sử dụng rất nhiều hình ảnh người nổi tiếng là ca sỹ, nghệ sỹ và khách hàng để đăng tải công khai quảng cáo, thu hút người tiêu dùng khẳng định công dụng của sản phẩm. Những quảng cáo như trên có dấu hiệu trái quy định của pháp luật.

Khẳng định như thuốc đặc trị?

Trong vai khách hàng, PV để lại số điện thoại liên hệ tại một kênh chuyên bán sản phẩm. Chưa đầy 30 phút sau đã có nhân viên chăm sóc khách hàng gọi điện tới tư vấn về sản phẩm. Sau màn chào hỏi, nhân viên này bắt đầu giới thiệu về công dụng “thần thánh” có khả năng đào thải tận gốc một số thành phần gây hại cho da, đồng thời khẳng định sản phẩm này là thuốc, sau khi dùng sẽ trắng da và không còn nám da.

Theo nhân viên tư vấn, nám da là bệnh nên không thể uống tầm 10 – 15 ngày là khỏi, do vậy, để có làn da như mong muốn mỗi khách hàng được khuyên dùng viên uống từ 2 đến 3 tháng. Đặc biệt, nhân viên này còn cho biết, viên uống có thẻ cam kết của Bộ Y tế cấp, sau khi dùng 2 đến 3 năm là không bị nám trở lại và được bán tại bệnh viện da liễu.

Ngoài ra, để thuyết phục PV, nhân viên bán hàng không ngần ngại so sánh, đánh giá một số sản phẩm khác trên thị trường chỉ “làm màu” không có tác dụng đặc trị nám. Hơn hết, sản phẩm nói trên có colagen tươi nên uống thoải mái không có tác dụng phụ?

Phủ nhận trách nhiệm?

Để làm rõ những vấn đề liên quan, giải thích về hàng loạt hình thức quảng cáo quá đà, có dấu hiệu trái quy định của pháp luật như nêu trên, đại diện công ty TH cho biết, viên uống C chỉ kinh doanh trên 1 địa chỉ website duy nhất, ngoài ra các đại lý của công ty tự chạy quảng cáo nên không thể kiểm soát được. Không loại trừ khả năng đối thủ họ tự lập ra để “chơi” lại công ty?

Ngoài ra, có thể do nhân viên bán hàng dưới áp lực kinh doanh nên không kiểm soát được ngôn từ, bằng một số cách thức nhằm bán hàng. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc quảng cáo quá đà như hiện nay.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, không thể đổ lỗi cho đại lý và nhân viên bán hàng để phủ trách nhiệm của Công ty phân phối trong việc kiểm soát hình thức quảng cáo và tư vấn cho khách hàng thiếu trung thực.

(Còn nữa)

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang