Mỗi ngày người tiêu dùng đã 'hấp thụ' bao nhiêu hóa chất?

author 06:32 10/10/2015

(VietQ.vn) - Các cụm từ thịt "bẩn", lợn tăng trọng, gà thải loại, cá, mực ướp phoóc-môn, đậu phụ tẩy trắng bằng chất gây ung thư,… đang là một thực trạng diễn ra hàng ngày khiến cho người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc các loại thực phẩm có trên bàn ăn nhà mình.

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Rau, củ, quả... bẩn!

Một câu cửa miệng của hầu hết những bà nội trợ mỗi khi xách làn đi chợ, là "Quả này của Việt Nam hay Trung Quốc?", "Rau này có phun thuốc sâu không?", "Lợn có ăn tăng trọng không?", "Gà ăn cám hay tăng trọng?"…, theo Công An Nhân Dân. Những câu hỏi được hầu hết những người bán hàng trả lời một cách qua loa "làm gì có" hoặc "yên tâm"… nhưng đều không làm cho người tiêu dùng cảm thấy yên dạ với những loại thực phẩm chứa hóa chất.

Rau, quả, thực phẩm chứa hóa chất được công khai bán tại các chợ

Rau, quả, thực phẩm chứa hóa chất được công khai bán tại các chợ. Ảnh: Công An Nhân Dân

Bất cứ bà nội trợ nào, nhìn thấy bó rau xanh non, mơn mởn đều muốn mua về, nhưng thực tế, nếu biết được công nghệ trồng rau "bẩn" đang được hầu hết những người nông dân áp dụng thì không mấy ai dám ăn. Gần đây, nhiều tờ báo đã đưa tin về việc người trồng rau ở Thường Tín (Hà Nội) không ngần ngại sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn là phân lợn, phân gà được mua từ các trại nuôi lợn, gà với giá 10.000đ/bao và mang thẳng ra ruộng để tưới cho rau. Thậm chí họ còn dùng cả phân… người (phân bắc) trộn cùng nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi lợn từ bờ mương cạnh ruộng, nước tiểu, nước cọ chuồng để tưới cho rau củ quả.

Vỗ béo lợn bằng... chất cấm!

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2015 đến nay đã lấy 227 mẫu nước tiểu lợn giết mổ trong 51 lô heo, phát hiện 31 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol hàm lượng cao, từ 80ppb-1.300ppb (80-1.300 phần tỷ) thuộc 7 lô lợn thịt. 7 lô lợn dương tính với chất cấm salbutamol, có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, theo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiểm tra và phát hiện thực phẩm chứa hóa chất

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiểm tra và phát hiện thực phẩm chứa hóa chất. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân

Tại tỉnh Đồng Nai, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng tại 44 trang trại chăn nuôi (trong tổng số gần 2.000 trang trại trên địa bàn), phát hiện 14 trang trại có lợn dương tính với chất salbutamol. Các trang trại bị phát hiện có lợn dương tính với chất cấm tập trung tại huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, TP Biên Hòa. Đồng thời, lực lượng thanh tra cũng phát hiện 1 đại lý bán sản phẩm chứa chất Salbutamol.

Thậm chí có tình trạng một số thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua lợn đã xuất chuồng của các công ty, sử dụng chất cấm chăn nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi nuôi nhốt trong thời gian từ 10-30 ngày, sẽ tăng trọng lượng thêm 20-30kg. Trừ chi phí, mỗi con lợn sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000-1.000.000 đồng. Đồng thời, để “qua mặt” cơ quan chức năng, thương lái còn sử dụng thủ đoạn quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

Mỡ lợn, bì lợn cũng “ăn”... hóa chất!

Mỡ lợn, bì lợn cũng đều là thực phẩm chứa hóa chất độc hại

Mỡ lợn, bì lợn cũng đều là thực phẩm chứa hóa chất độc hại. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, 6 hộ gia đình ở phố Yên Vực, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa bị Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an Thanh Hóa phát hiện khi đang chế biến mỡ, bì lợn bẩn. Qua kiểm tra, CSMT Công an Thanh Hóa còn bắt giữ thêm một xe ôtô đang bốc dỡ hơn 1 tấn bì lợn không rõ nguồn gốc, đang trong tình trạng phân hủy tại 1 trong 6 hộ trên. Các cơ sở chế biến mỡ, bì lợn bẩn ở phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa hoạt động từ đầu năm 2011 tuy nhiên tới nay mới bị phát hiện.

Bên trong các cơ sở này có nhiều tủ bảo quản mỡ, bì lợn đầy cáu bẩn, hố xi măng lọc mỡ luôn bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, CSMT còn phát hiện nhiều bao tải đựng hóa chất không rõ nguồn gốc dùng để xử lý bì, mỡ lợn bẩn.Từ các cơ sở này, mỡ bẩn được chế biến thành dầu chiên rán phục vụ cho các quán ăn bình dân trong tỉnh. Bì lợn đang phân hủy, bốc mùi hôi thối cũng được “phù phép” bằng hóa chất để thành bì sạch cung cấp cho các cơ sở làm nem chua và bán lại cho người tiêu dùng.

Tiểu Quyên (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang