Thực phẩm chức năng: Doanh nghiệp Việt "lép vế"

author 12:24 18/06/2013

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của PGS. Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam.

Lời tòa soạn: Không thể phủ nhận vai trò của sản phẩm TPCN đối với sức khỏe con người nhưng trong thực tế, có không ít các rào cản, vướng mắc khiến cho sản phẩm TPCN bị hiểu sai, nghi ngờ về chất lượng của nó. Với mong muốn đem lại cho bạn đọc cái nhìn bao quát nhất về thị trường TPCN, Chất lượng Việt Nam thực hiện tuyến bài: “Hiểu đúng về thực phẩm chức năng". Tuyến bài này sẽ đề cập tới các vấn đề về thị trường, công năng, hiệu quả và những lời khuyên của các chuyên gia y tế, các chuyên gia về an toàn thực phẩm… cho người tiêu dùng để có thể đưa ra các quyết định sử dụng sản phẩm có lợi cho sức khỏe của mình.

Bài 1: Thị trường thực phẩm chức năng: “Doanh nghiệp việt lép vế”

Đó là nhận định của PGS. Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng cục An toàn thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam về sự hình phát triển của thị trường TPCN ở nước ta thời gian qua.

PGS. TS. Trần Đáng cho biết, thị trường TPCN năm 2013 dự báo có sự phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ có vài trăm doanh nghiệp, vài trăm sản phẩm, đến hết năm 2012 đã có khoảng 1.554 tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN với hơn 5000 sản phẩm. Trong số đó có 48% thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước, còn 52% là nhập khẩu từ nước ngoài.

Mô tả ảnh.
PGS. TS Trần Đáng cho biết, thị trường TPCN Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhưng năm tới

Thưa ông, nên hiểu và sử dụng sản phẩm TPCN như thế nào?

Đầu tiên cần nhận rõ, TPCN đã giúp tăng cường sức khỏe nhân dân, phòng ngừa các bệnh rất hiệu quả, đặc biệt là với những bệnh mãn tính. Số người sử dụng sản phẩm theo điều tra được tiến hành tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có gần 50% số những người lớn đã có dùng TPCN để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh tật.

Để tuyên truyền và thúc đẩy của thị trường TPCN, năm nay chủ đề của chương trình hành động về TPCN thế giới đưa ra là “TPCN cho các bệnh mãn tính”, trong đó có ba 3 nội dung cơ bản.

Một là TPCN làm tăng cường sức khỏe chung, tăng khả năng miễn dịch, điều đó cũng có nghĩa, tự khắc sức khỏe tăng lên, bệnh tật cũng được đẩy lùi nhờ TPCN.

Hai là bản thân TPCN có các hoạt chất tác động trực tiếp vào quá trình gây bệnh như tinh chất tinh dầu thông đỏ, có thể trừ khử tế bào ung thư. Tinh chất trong tế bào thực vật hỗ trợ kháng virút, vi khuẩn, hỗ trợ điều trị, giảm mỡ, đường trong máu…

Bản thân TPCN làm giảm bớt các tác dụng phụ và những tai biến của tân dược. Ngoài ra, các triệu chứng như buồn nôn, mất ngủ, mỏi mệt… không cần dùng thuốc tân dược mà dùng TPCN có thể hỗ trợ, giúp cải thiện các triệu chứng như vậy. Cùng với thuốc tân dược, TPCN có thể hỗ trợ cùng tiêu diệt các tế bào ung thư, hỗ trợ vào tấn công các nguyên nhân gây bệnh.

Lý do nào khiến doanh nghiệp và sản xuất TPCN sa sút, sản phẩm của nước ngoài chiếm ưu thế, thưa ông?

Trước đây, sản xuất TPCN trong nước chiếm 52% tổng số sản phẩm TPCN có trên thị trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với suy thoái, sức tiêu thụ chậm, doanh nghiệp trong nước làm ăn khó khăn, nhiều doanh nghiệp giảm thể nên các sản phẩm nhập ngoại đã chiếm đa số.

Các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ thiết bị, nhà máy hiện đại hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đi nhanh hơn trong sự phát triển sản phẩm và chiếm lĩnh thị phần.

Không ít người tiêu dùng phàn nàn, có nhiều sản phẩm TPCN giả, nhái đưa, làm ảnh hưởng đến lòng tin của họ đối với sản phẩm TPCN, ông nghĩ gì về điều này?

Người dân Việt Nam ngày càng hiểu giá trị của TPCN. Do thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải đối mặt với 4 bất lợi: phương thức làm việc, lối sống sinh hoạt, tiêu dùng thực phẩm và vấn đề của môi trường.

Số người biết và dùng TPCN đúng cách ngày càng tăng cao. Ảnh: N. M
Số người biết và dùng TPCN đúng cách ngày càng tăng cao. Ảnh: N. M

Những thay đổi đó dẫn tới rối loạn cấu trúc, chức năng của tế bào, dẫn đến các bệnh mãn tính không lây ra tăng. Loại trừ các bệnh mãn tính không lây mà các nhà khoa học đã chứng minh được, cách bổ sung tối ưu nhất là bổ sung các chất thiếu hụt. Cụ thể như bổ sung vitamin, chất khoáng, chất sinh học, chất xơ, chất chống oxi hóa…

Với nguyên lý như vậy, phần lớn nhân dân ta đã hiểu được điều đó và đã biết cách sử dụng TPCN càng ngày càng nhiều.

Thông tin về thực phẩm chức năng trên VietQ.vn

Tuy nhiên, mặt hạn chế là không ít người chỉ nghĩ được việc sử dụng thực phẩm chức năng cho quá trình điều trị, điều đó là một sai lầm. TPCN trước tiên sử dụng cho người khỏe, giữ vững sức khỏe mới là quan trọng, xua tan bệnh tật. Thế nhưng, có không ít người nghĩ rằng, ốm mới phải dùng tới TPCN. Vì ốm, phải chữa bệnh, tốn kém rồi, tìm tới TPCN và coi đó như thuốc có thể chữa được bệnh, đó là điều sai lầm. Lợi nhuận cao và thực tế nêu trên có thể là nguồn cơn dẫn đến nạn làm giả, làm nhái TPCN phát triển.

Để ngăn chặn nạn làm giả, làm nhái các sản phẩm TPCN, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ở góc độ của Hiệp hội, chúng tôi cũng đang bàn thảo để đưa ra các tiêu chuẩn quản lý, tiêu chuẩn sản xuất, GMP... cái mà nhà nước chưa ban hành được.

Hiện nay có nhiều bất cập trong quản lý giá TPCN, nhất là khâu trung gian, để người tiêu dùng có nhiều cơ hội sử dụng TPCN, theo ông chúng ta nên làm gì?

Đúng là giá TPCN hiện nay vẫn còn cao vì thế không ít người tiêu dùng đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, họ không có cơ hội sử dụng TPCN cho cuộc sống của mình. Tạo sao như vậy?

Một là thuế của nhà nước hiện quá cao, tới 30%, trong khi thuế về thuốc chỉ từ 0 – 10%. Vì thuế cao nên các doanh nghiệp phải tăng giá bán.

Hai là, công nghệ sản xuất TPCN cũng đòi hỏi hiện đại, máy móc thiết bị tự động hóa. Cụ thể như công nghệ na nô, công nghệ vi sinh, công nghệ clozen, nghiền…

Thứ ba, vì các nhà kinh doanh tham lợi nhuận quá cao. Có những sản phẩm của nước ngoài sản xuất, tại nước ngoài giá chỉ khoảng 200 – 300 ngàn đồng tuy nhiên khi về tới Việt Nam giá nó lên tới 1,9 triệu hoặc 2 triệu.

Như vậy, để người dân có thể tiếp cận và sử dụng nhiều TPCN, trước tiên, nhà nước phải giảm thuế, doanh nghiệp phải giảm bớt lợi nhuận, còn công nghệ là “hằng số” cố định… như vậy, chắc chắn giá thành sẽ giảm. (Còn nữa)

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang