Thực phẩm chức năng: Thiếu kiểm soát, người tiêu dùng "ăn đủ"

author 13:06 10/12/2012

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ tính riêng hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 50% người lớn sử dụng thực phẩm chức năng. Nhưng điều đáng nói nhất là đại đa số những người sử dụng thực phẩm chức năng ấy đều không hiểu biết về sản phẩm mà mình đang dùng, chủ yếu toàn: “nghe người ta nói”, “nghe người ta quảng cáo”, “đọc trên nhãn dán trên sản phẩm”...

Bắt đầu du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 10 năm, nhưng sự phát triển của thực phẩm chức năng có thể nói như... vũ bão, cụ thể năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm do 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay đã có 10.000 sản phẩm do gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu. Với tốc độ phát triển như vậy, nhưng dường như các điều kiện cơ bản cho sự phát triển này không chuẩn bị kịp nên dẫn đến loạn thực phẩm chức năng trên thị trường.

Chết vì nghe quảng cáo
 
Tính đến nay đã gần một năm ngày ông Vượng, ở bãi An Dương, Hà Nội “ra đi” về bệnh ung thư dạ dày. Khi phát hiện ra bệnh cho đến lúc ông trở thành người thiên cổ tính ra chỉ hơn 9 tháng, khoảng thời gian thật là ngắn ngủi đối với người ở giai đoạn 3 của bệnh ung thư. Thế nhưng để cuộc đời kết thúc nhanh chóng như vậy, phần lớn cũng là lỗi do ông.
 
Bởi sau khi đi chụp cắt lớp ở Bệnh viện Việt - Đức bằng thiết bị hiện đại nhất hiện nay, tốn mấy chục triệu/lần chụp và được các bác sĩ ở đây hướng dẫn điều trị, ông lại không theo điều trị ấy, mà nghe theo lời “mách” của bạn bè rằng, uống thực phẩm chức năng để vừa “điều trị” ung thư vừa bồi bổ sức khỏe mà không bị mất sức, rụng tóc v.v... như những trường hợp truyền hóa chất, xạ trị...
 
Vậy là, chẳng cần lọ mọ kiếm tìm, ông được giới thiệu ngay cho sản phẩm có tên là Noni của Mỹ, một sản phẩm chiết xuất từ quả nhàu, được đóng chai dùng để uống hằng ngày. Người ta quảng cáo với ông những gì thì ông cũng “truyền đạt” đúng với vợ con ông như vậy để nhằm thuyết phục đừng bắt ông đi viện nữa.
Người tiêu dùng đang có sự hiểu nhầm về tác dụng của thực phẩm chức năng
Người tiêu dùng đang có sự hiểu nhầm về tác dụng của thực phẩm chức năng
 
Nào là chữa bách bệnh, đặc biệt là đối với ung thư dạ dày, bởi nó kích thích tăng sinh tế bào và tăng cường chức năng của nhiều loại tế bào máu, hệ miễn dịch, có 160 loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Nào là bao nhiêu bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng, u gan, u tử cung... bệnh viện đã trả về vì không chữa được nhưng nhờ uống Noni đã cho kết quả không ngờ được...
 
Ông thuộc làu làu như thể chính ông là người trong cuộc của những quảng cáo đó đến nỗi ngay cả người thân của ông cũng hoàn toàn tin vào “thần dược” Noni mà ông nói. Nhưng rồi, được đâu 6 tháng, bệnh của ông phát nặng, khối u đã di căn sang ruột rồi lên tận họng... làm ông không ăn uống gì được. Chưa kể, những cơn đau dữ dội xuất hiện hành hạ ông tưởng như chết đến nơi. Lúc này, không thể đừng được nữa, ông buộc phải vào viện để điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đã chỉ định.
 
Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ nhận định: “Nếu cách đây 6 tháng, ông điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ thì có lẽ bệnh đã không đến nỗi nặng nhanh như vậy, thời gian sống cũng có thể kéo dài hơn”. Ông buồn không nói, trong lòng đầy hối hận. Nhưng đã muộn...
 
Đổ bệnh nặng vì thực phẩm chức năng
 
Cách đây không lâu, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị biến chứng nặng do sử dụng thực phẩm chức năng thay thuốc.
 
Cụ thể như trường hợp một cháu gái quê ở Đà Nẵng, bị bệnh lupus ban đỏ, sau khi mẹ cháu nghe “truyền khẩu” về một loại thực phẩm chức năng có tác dụng chữa “bách bệnh” trong đó có bệnh lupus, đã cho cháu uống thay vì mang đến bệnh viện để khám, chữa bệnh. Nhưng uống được gần một tháng, không những con gái chị không khỏi mà còn nổi mụn đỏ dày khắp người. Hoảng quá, chị mang con ra tận Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thì được các bác sĩ ở đây cho biết: “Con chị đã bị suy thận - biến chứng từ bệnh lupus do không uống thuốc theo chỉ định”.
 
Tương tự, bệnh nhân Trần Thị Mai Anh ở Hà Nội cũng phải đi cấp cứu tại Trung tâm này vì biến chứng do uống thực phẩm chức năng.
 
Cũng như mẹ cháu bé trên, khi nghe người ta “đồn thổi”có một loại thực phẩm chức năng có thể chữa khỏi bệnh ban đỏ lupus, lại không phương hại gì đến sức khỏe do nguồn gốc từ thảo dược, chị vội vàng mua ngay về để uống, mặc dù trước đó, sau nhiều lần đi khám, bác sĩ đã giải thích: Bệnh này không thể chữa khỏi mà chỉ còn cách “sống chung” với nó. Uống chưa được 3 ngày, toàn thân chị nổi ban đỏ dày đặc, ngứa ngáy, khó chịu, đồng thời bị bong tróc da...
 
Theo chỉ định của bác sĩ, chị phải ngưng ngay việc uống thực phẩm chức năng. Nhưng ngay cả khi không dùng, chị vẫn bị nổi đỏ rực các đám ban trên cơ thể. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị dị ứng nặng với thực phẩm chức năng mà chị đang dùng.
 
Chị Trần Thị Mai Anh hay cháu bé ở Đà Nẵng không phải là trường hợp hiếm thấy phải đi cấp cứu ở Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng mà còn nhiều bệnh nhân nữa cũng lâm vào tình trạng như vậy. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2012 đã có hơn 10 trường hợp phải nhập viện do dị ứng nặng với thực phẩm chức năng.
 
Trong đó, nặng nhất phải kể đến một bệnh nhân ở Nghệ An, 67 tuổi. Bị bệnh tiểu đường, đau các khớp chân, tay, bệnh nhân này được một bác sĩ ở Nghệ An kê cho toa thuốc kèm theo một loại thực phẩm chức năng có giá 400 nghìn đồng/hộp, nhưng không hề có hướng dẫn hay vỏ hộp đi kèm. Uống được 3 ngày, bệnh nhân lập tức phản ứng ngay với thực phẩm chức năng, trước hết là biểu hiện: bứt rứt, khó chịu.
 
Sau đó thì mắt đỏ ngầu, sưng húp đến nỗi hai mí mắt dính chặt vào nhau không thể mở được, khuôn mặt biến dạng với nhiều bọng nước nổi phồng, lở loét nhiều chỗ trên da... Nguy hiểm nhất là bệnh nhân cứ lịm dần đi, không biết gì. Theo các bác sĩ, bà bị dị ứng nặng với hội chứng được gọi là Steven Johnson điển hình.
 
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức: Để phòng tránh dị ứng thuốc, thực phẩm chức năng, cần xem việc dùng các sản phẩm này là hệ trọng. Chỉ được dùng khi thật sự cần thiết, tránh tùy tiện và luôn cảnh giác nguy cơ dị ứng xảy ra bất kỳ lúc nào. Mà trong trường hợp bị dị ứng phải đi bệnh viện khám ngay do hậu quả có thể dẫn đến loạn nhịp tim, trụy mạch, tổn thương hệ hô hấp, thậm chí tử vong.
 
Riêng với bệnh lupus ban đỏ xin khẳng định: Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được thực phẩm chức năng có thể điều trị khỏi bệnh đó.
 
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc
 
Để dẫn đến tình trạng như trên đây, trước hết phải nói là do “căn bệnh” đã trở thành “thâm căn cố đế” khó sửa chữa được của nhiều người Việt - bệnh sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng theo “truyền khẩu” mà không chịu tìm hiểu, hướng dẫn theo chỉ định của bác sĩ.
 
Lợi dụng chính điểm yếu này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng đã triệt để biến khách hàng thành... miếng mồi ngon khi kinh doanh một cách dễ dàng dựa trên phương châm: “lập lờ đánh lận con đen” giữa thuốc và thực phẩm chức năng.
 
Vấn đề chỉ là làm sao tìm cách quảng cáo “vống” lên hiệu quả của nó so với thực tế để thu hút người sử dụng, bất chấp hệ lụy ra sao. Và tham gia trong quá trình quảng cáo ấy, nếu có sự tham gia của những người công tác trong ngành y tế thì càng tốt.
 
PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đều chung nhận định như vậy khi phân tích về những nguyên nhân khiến thị trường thực phẩm chức năng... loạn như hiện nay trong hội thảo về vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, trước hết cần phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để giúp người dân tách bạch giữa thuốc và thực phẩm chức năng, nói rõ công hiệu của thực phẩm chức năng chỉ là bồi dưỡng và tăng cường sức khỏe chứ hoàn toàn không có giá trị về điều trị như thuốc.
 
Đối với những sản phẩm chứa hoạt chất sinh học, cũng không được đề là thuốc trên nhãn dán trên vỏ bao bì cũng như không được chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh... Nhưng quan trọng nhất, từ phía người tiêu dùng, cần phải tìm hiểu rõ loại thực phẩm chức năng trước khi sử dụng, tốt nhất nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dược học...
 
Theo Petrotimes
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang