'Ma trận' lừa dối người tiêu dùng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe TOHA FAST

author 16:27 22/04/2021

(VietQ.vn) - Thực phẩm bảo vệ sức khỏe TOHA FAST quảng cáo “vống” công dụng, “biến” sản phẩm thành thuốc điều trị sỏi thận, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng?

TOHA FAST “nổ” tràn lan trên mạng

Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) TOHA FAST được quảng cáo “đập tan sỏi tại nhà, to mấy cũng tan...”. Không những vậy, công dụng của sản phẩm này còn được thần thánh “đánh bay sỏi gấp 90 lần sản phẩm thông thường, không còn nỗi lo về bệnh sỏi”.

 Sản phẩm TOHA FAST "nổ" công dụng, lừa người dùng?

Đặc biệt, những lời quảng cáo còn khẳng định sản phẩm TOHA FAST đã chữa khỏi bệnh lý về sỏi cho hàng ngàn bà con. Sản phẩm này vượt trội hơn các sản phẩm khác, công nghệ sản xuất được đánh giá là cuộc cách mạng trong y học, giúp phân tích dưỡng chất thành các kích thước siêu nhỏ cỡ nanomet, nhờ đó mà quá trình thẩm thấu và phát huy tác dụng cao gấp hàng nghìn lần so với sản phẩm cùng loại.

Chưa hết, sự dối trá trong quảng cáo sản phẩm TOHA FATS còn thể hiện rằng phương pháp điều trị sỏi bằng tây y hiệu quả nhưng không triệt để, kể cả các phương pháp phẫu thuật, hay tán sỏi... nhưng chỉ cần dùng TOHA FAST sỏi sẽ được giải quyết. Đây chỉ là một phần trong vô số những quảng cáo "nổ” được tung hô rất dễ thấy trên các trang mạng xã hội, trang web gắn với sản phẩm TOHA FAST.

TOHA FAST được "nổ" như loại "thần dược" điều trị bệnh sỏi.

Đáng nói, sản phẩm TOHA FAST chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng được giới thiệu, quảng cáo như bài thuốc đặc trị, chữa khỏi các bệnh lý về sỏi thận mà mọi người đều sử dụng được. Ngoài ra, sản phẩm còn được cắt ghép, gán hình ảnh với diễn viên nổi tiếng để dẫn dụ người tiêu dùng.

Trước hết, hình ảnh, video của nghệ sĩ Văn Báu được gắn vào nội dung bị sỏi tiết niệu, tuy đã sử dụng nhiều loại sản phẩm nhưng tái đi tái lại nhiều lần không dứt. Sau khi dùng TOHA FAST được 1 tháng thì sỏi giảm hẳn và đang tiếp tục sử dụng để đánh tan sỏi. Hay hình ảnh NSND Minh Hằng cũng được quảng cáo bị sỏi mật 2, 3 năm, đi siêu âm thì được biết kích thước to 10mm, sỏi kẹt niệu quản trái 07mm kèm theo các triệu chứng đau thắt lưng kèm theo đi tiểu rắt. Nhưng sau khi dùng 1 liệu trình thì sỏi phải còn 6mm, tiểu ra được sỏi thận trái.

 Hình ảnh người nổi tiếng bị lạm dụng để quảng cáo sản phẩm.

Việc quảng cáo trái quy định pháp luật này có thể gây hậu quả khó lường như làm sai lệch thông tin, lừa dối người tiêu dùng tin rằng sản phẩm TOHA FAST là loại thuốc có thể chữa các bệnh lý về sỏi thận… Việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để dụ người tiêu dùng không phải chiêu mới nhưng không phải người bệnh nào cũng đủ thông thái để nhận diện sản phẩm sử dụng chiêu trò để quảng cáo trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, sản phẩm này còn sử dụng hàng loạt hình ảnh khách hàng, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm bằng hình thức đăng tải bài: “Nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

Cố tình bỏ qua khuyến cáo của Bộ Y tế

Sản phẩm TOHA FAST là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được cấp phép quảng cáo chỉ lợi tiểu, lợi mật, hỗ trợ tăng cường đào thải cặn sỏi… thế nhưng, trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này luôn được nhấn mạnh là “bài thuốc” có khả năng điều trị bệnh lý về sỏi thận bất chấp quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đặc biệt không dùng cho người bị mẫn cảm với các thành phần sản phẩm, thận trọng trong các trường hợp sỏi có kích thước lớn, có biến chứng hay nhiễm trùng cần phải có ý kiến của thầy thuốc khi sử dụng.

Theo tìm hiểu, sản phẩm TOHA FAST được phân phối qua kênh bán hàng online. Sản phẩm này do Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (số nhà 539 đường Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp xác nhận quảng cáo số 2913/2020/XNQC-ATTP ngày 17/09/2020.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ trợ cho sức khỏe chứ không thể trị bệnh. Việc hiểu lầm đó là thuốc chữa bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng sản phẩm khi nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Đặc biệt sẽ khiến cho việc chữa trị của người bệnh bị kéo dài và gây ra những hậu quả khó lường.

Trước đó, Cục An toàn Thực phẩm đã ra thông báo số 21/ATTP-NĐTT về việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong công văn, Cục này cho biết, một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểm lầm cho người sử dụng. 

Điều này vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. 

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các bệnh viện trực thuộc Trung ương rà soát và thông báo đến toàn thể nhân viên về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị để quảng cáo thực phẩm là vi phạm Luật An toàn thực phẩm.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang