Thuê bao di động sẽ được chuyển mạng, giữ số

author 06:29 10/05/2013

(VietQ.vn) - Dù các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel chưa muốn triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ số nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu, các doanh nghiệp chuẩn bị và bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2017.

Các nhà mạng muốn "né"

Các nhà mạng như Vinaphone, Mobifone - VNPT, Viettel đều không muốn triển khai dịch vụ chuyển mạng di động, giữ nguyên từ năm 2017 mà xin lùi tới năm 2018 hoặc 2019. Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây của Bộ TT&TT về  xây dựng Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam (MNP - Mobile Number Portability), Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị các phương án và chính thức áp dụng MNP từ 1/1/2017.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng: Không phải vô cớ mà yêu cầu doanh nghiệp sớm triển khai MNP. Ảnh: N. M
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng: Không phải vô cớ mà yêu cầu doanh nghiệp sớm triển khai MNP. Ảnh: N. M

Trong khi cơ quan chức năng quản lý muốn đẩy nhanh triển khai dịch vụ MNP thì các nhà mạng lại tỏ ra chần chừ và không muốn áp dụng MNP sớm. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là không muốn phải đầu tư thêm một số tiền mà không sinh ra thuê bao mới và lo ngại sẽ có sự xáo trộn thị trường.  

Một đại diện của VNPT cho rằng, doanh nghiệp này cần tới 5 năm cho khâu chuẩn bị triển khai dịch vụ MNP. Nhà nước phải tính toán kỹ hơn về mặt kinh tế, xem Nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư bao nhiêu, đem lại lợi ích gì; quy trình phối hợp giữa các doanh nghiệp liên quan ra sao bởi đây là dịch vụ liên mạng; chính sách giá cước thế nào...

Theo ông Tống Viết Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khi thuê bao chuyển mạng, doanh nghiệp phải tính toán và trả phí quỹ số thế nào khi số vẫn ở trong quỹ số của doanh nghiệp này nhưng doanh nghiệp khác lại khai thác số đó.

"Khi khách hàng được thoải mái chuyển mạng giữ số, doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ khi muốn bổ sung thêm dịch vụ gia tăng ưu đãi cho khách hàng. Quy định về giá dịch vụ chuyển đổi từ mạng này sang mạng khác, nếu để thấp thì khách hàng rất dễ chuyển đổi liên tục, tăng tải cho nhà mạng", ông Trung nói.

Muốn giữ "sân nhà" phải làm ngay

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, không phải vô cớ mà các điều ước, hiệp định quốc tế thời gian qua đều đưa việc triển khai MNP vào quy định bắt buộc. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên cũng đưa ra nội dung cam kết triển khai MNP, trong đó Việt Nam đề xuất triển khai trước năm 2020 trong khi nhiều nước khác đều cam kết triển khai vào năm 2015.

"Đối với điều kiện thực tế tại Việt Nam, đã đến thời điểm chín muồi để ban hành quyết định phê duyệt Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Sớm triển khai MNP, nhà mạng sẽ được lợi. Ảnh: N. M
Sớm triển khai MNP, nhà mạng sẽ được lợi. Ảnh: N. M

Cũng theo ông Thắng, lường trước hiện trạng các dự án đầu tư dù nhỏ cũng phải mất 1 - 2 năm làm thủ tục xây dựng dự án, sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị trong năm 2013, sang năm 2014 - 2015 làm thủ tục đầu tư xây dựng; năm 2016 sẽ tiến hành thử nghiệm và từ 1/1/2017 chính thức triển khai dịch vụ MNP cho tất cả các nhà mạng, thuê bao di động.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, thực hiện Đề án là giúp các chủ thuê bao điện thoại di động có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không phải quan ngại về việc mất số điện thoại hiện có, đặc biệt là những số điện thoại gắn với dữ liệu cá nhân như ngày tháng năm sinh,… Dịch vụ MNP sẽ tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, tạo nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới liên quan đến ứng dụng thương mại, các dịch vụ nội dung trên mạng điện thoại di động, từ đó thúc đẩy phát triển dịch vụ 3G hiện vẫn còn khiêm tốn về hiệu quả đầu tư.

Việc triển khai dịch vụ MNP sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông và quản lý thuê bao trả trước. Bởi nhu cầu mỗi cá nhân có nhiều SIM để sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp di động khác nhau sẽ giảm đi, lượng SIM rác cũng giảm theo. Mặt khác, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng sẽ phải khai báo chính xác các thông tin cá nhân liên quan, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý thuê bao, đặc biệt là thuê bao trả trước.

Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ MNP còn đem lại nhiều lợi ích khác như tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông, hỗ trợ đảm bảo an ninh thông tin, tạo nền tảng cho sự phát triển thương mại điện tử.

"Doanh nghiệp viễn thông phải xác định MNP là một dịch vụ không nhằm mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận. Và theo kinh nghiệm các nước đã triển khai MNP thì không có sự xáo trộn số thuê bao chuyển mạng từ mạng lớn sang nhỏ, thậm chí số lượng thuê bao chuyển mạng còn nhỏ hơn khi không áp dụng MNP", bà Mơ nói.

Thực tế thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu của người sử dụng điện thoại di động, không ít nhà mạnh đã sản xuất ra số của mình giống với các số của nhà mạng khác và quảng bá tới người dùng, để họ có thể lựa chọn sử dụng. Những số đó thường có số đầu khác nhau vì những số đó là nhận biết của nhà mạng. Còn các số tiếp theo gần như giống nhau hoàn toàn. Hiện tượng đó cũng gây ra lãng phí cho tài nguyên số di động ở Việt Nam hiện nay. Việc thực hiện MNP là một cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn các nhà mạng tốt nhất để sử dụng.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang