Thuế ô tô ở Việt Nam so với các nước chênh lệch... ngỡ ngàng

authorHà Thúy 06:15 10/06/2017

(VietQ.vn) - Việt Nam nằm trong nhóm thuế ô tô cao cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Đó là lý do vì sao giá ô tô ở Việt Nam đắt hơn so với các nước.

Theo Vietnamnet, thuế ô tô được chia làm 3 nhóm, cao trung bình và thấp. Nhóm thuế ô tô cao bao gồm Singapore, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Nhóm trung bình gồm có Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Mexico. Nhóm thấp gồm Peru, Chilê, Canada, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Brunei và Hoa Kỳ.

Việt Nam có thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với khu vực ngoài ASEAN là 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt từ 40-150%.

Indonesia đánh thuế nhập khẩu ô tô là 40%, thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10-125% dựa trên kích cỡ động cơ. Ấn Độ có thuế nhập khẩu 60% và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 12,5 -30%. Thái Lan có thuế nhập khẩu 80% và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 3-50%. Malaysia có thuế nhập khẩu 30%, cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt từ 60-105%.

thue-o-to-o-viet-nam-so-voi-cac-nuoc-chenh-lech-ra-sao-lo-ly-do-gia-o-to-viet-nam-dat

 Các loại thuế chồng phí là lý do khiến giá ô tô Việt Nam đắt hơn các nước. Ảnh minh họa

Trong khi đó, với các nước thuộc nhóm thấp (Peru, Chilê, Canada, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Brunei và Hoa Kỳ) tổng các loại thuế với ô tô (không tính xe hạng sang) ở mức dưới 9.000 USD. Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 6,1% trở xuống, các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt hay VAT tính chung không phân biệt dung tích động cơ.

Có quốc gia không áp thuế tiêu thụ đặc biệt, để khuyến khích người dân sử dụng ô tô.

Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho ô tô ở Thái Lan có khởi điểm thấp, ở mức 3% và Indonesia 10% thì Việt Nam hiện ở mức 15% với xe pick up và 40% với xe con từ 9 chỗ trở xuống.

Không những thế, thuế đánh chồng lên thuế, khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia. Hai nước này có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe nhỏ, xe chiến lược nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thấp, chỉ 3-10%, với những mẫu xe đó. Vì thế, giá xe thấp hơn Việt Nam, dù cả 3 nước đều thuộc nhóm có thuế ô tô cao.

Còn theo Motthegioi, nếu so ngang phiên bản, giá xe tại Việt Nam có thể đắt gấp hơn 3 lần xe ở các nước phát triển, bởi tại Việt Nam, hầu hết các hãng xe nhập khẩu theo điều kiện thương mại quốc tế CIF (Cost, Insurance, Freight).

Chẳng hạn, xe ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ, thì mức giá này bao gồm giá xuất xưởng tại Ấn Độ (Cost), phí bảo hiểm hàng hoá (Insurance) và cước phí vận chuyển từ Ấn Độ về Việt Nam (Freight).

Mức giá xuất xưởng thấp hơn nhiều so với giá bán sản phẩm tương đương tại thị trường Ấn Độ vì hãng xe tại nước này cũng phải chịu các thuế, phí về xe và bán hàng như tại Việt Nam.

Khi về Việt Nam, để thông quan hãng phải nộp thuế nhập khẩu và khi bán ra thị trường phải nộp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (GTGT) cho mỗi chiếc.

Thuế nhập khẩu đánh lên hàng hóa nhập khẩu. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên những hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế. Thuế giá trị gia tăng đánh lên những hàng hóa, dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng trong mỗi khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Ô tô nhập khẩu thuộc cả ba nhóm này.

Nguyên tắc đánh thuế ô tô là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ.

Thứ tự đánh thuế sẽ là thuế nhập khẩu, sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế GTGT.

Một Thế Giới nêu ví dụ, xe nhập về cảng giá 100 triệu đồng, chịu thêm thuế nhập khẩu 70% thì giá sau thuế nhập khẩu là 100 + 100 x 70% = 170 triệu đồng.

Sau đó, giả sử thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% thì thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được tính là 170 x 45% = 76,5 triệu. Lúc này giá sau thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là 170 + 76,5 = 246,5 triệu.

Cuối cùng, thuế GTGT (10%) được tính là 246,5 x 10% = 24,65 triệu. Giá sau thuế GTGT trở thành 246,5 + 24,65 = 271,15 triệu đồng.

Vớt cá chết xuyên đêm ở hồ Hoàng CầuTừ đêm qua cho đến gần sáng nay, các công nhân thoát nước Hà Nội gom được hơn 3 tấn cá trong hồ nước đen, có váng dầu.

Con số 271,15 triệu vừa tính ở trên chưa phải là giá bán ra ngoài thị trường. Mức giá này mới chỉ là giá sau khi cộng ba loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và GTGT.

Hãng sau đó còn phải cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận hãng…

Như vậy, so với con số 100 triệu, thì số tiền gần 300 triệu nghĩa là giá xe thực tế tại Việt Nam đã bị đội lên khá nhiều. Con số này cũng là minh chứng cụ thể cho việc giá xe tại Việt Nam đắt hơn các nước khác.

Hà Thúy (T/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang