Thuế xăng, giá điện gây áp lực lạm phát

author 10:54 16/04/2019

(VietQ.vn) - Thuế xăng, giá điện tăng kéo theo đó là hàng loạt sản phẩm, hàng hóa được "đẩy" giá, thậm chí không ít mặt hàng được nâng giá kiểu "té nước theo mưa" và trở thành nỗi lo ngại của người tiêu dùng.

Sự kiện: Kinh doanh

Theo công bố của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tỷ lệ lạm phát bình quân quý I/2019 là 2,63%. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng con số trên khá thấp nhưng tiềm ẩn niều vấn đề liên quan, tạo áp lực cho lạm phát trong thời gian tới.

“Quyết định áp thuế bảo vệ môi trường kịch trần lên xăng dầu, xu hướng tăng trở lại của giá dầu thế giới cùng việc tăng giá điện thêm 8,36% đều xảy ra trong 3 tháng đầu năm. Những điều chỉnh này thường không tác động ngay đến tỷ lệ lạm phát của quý đó mà kéo dài thậm chí đến 1 năm và ảnh hưởng mạnh nhất sau khoảng 3-4 tháng” chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh chia sẻ và nhận định quý II, chỉ số lạm phát sẽ tăng tương đối mạnh.

 Thuế xăng, giá điện gây áp lực lạm phát

Đại diện VEPR cho biết thêm, lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại trong quý I/2019. So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%. Lạm phát lõi quý I kiểm soát ở mức tăng 1,83%, phản ánh chính sách tiền tệ được điều chỉnh ổn định.

Tính riêng tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết tăng, nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, sang đến tháng 3, do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi cũng như nhu cầu tiêu dùng sau Tết khiến CPI giảm 0,21%.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, dịch bệnh tác động không nhỏ đến giá thực phẩm. Ngoài ra, ông cũng khẳng định yếu tố thời tiết có thể sẽ làm giảm sản lượng trong nông nghiệp. “Ngân hàng Trung ương cần phải cẩn trọng hơn đối với việc mở rộng tín dụng hay cung tiền trong thời gian tới. Tức là nếu chỉ có cú sốc về chi phí đầu vào, lạm phát có thể sẽ dễ được kiểm soát tốt hơn so với việc lạm phát kết hợp do chi phí và tăng trưởng tín dụng”, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh khuyến nghị thêm.

Cũng liên quan đến câu chuyện tăng giá xăng, điện, nhiều mặt hàng cũng tăng giá theo. Và cũng không ít loại sản phẩm được "đẩy" giá theo kiểu "té nước theo mưa". Việc người tiêu dùng lo ngại là có cơ sở thực tế, bởi trong những ngày gần đây một số hàng hóa, dịch vụ đã rục rịch tăng giá, điển hình như các sản phẩm thực phẩm, ăn uống, chăm sóc thẩm mỹ…

Theo các chuyên gia kinh tế, giá của điện xăng dầu tăng lên trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng có thể có nhiều cách để kìm hãm bớt tốc độ tăng giá của hàng hóa, giúp cho thị trường tiêu dùng hợp lý hơn, tránh những cú sốc mạnh không cần thiết.

 Thảo Nguyên

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang