"Thung lũng Silicon" của nhà khoa học thiếu điện

author 07:07 05/01/2013

(VietQ.vn) - Đến năm 2016, ngành điện dự kiến mới đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Thiếu cơ sở vật chất

Được thành lập từ năm 1998, với hy vọng trở thành "thung lũng Silicon" của Việt Nam, nhưng gần 15 năm nay, nhà đầu tư vẫn kêu thiếu điện ở khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc.

"Hết năm 2013, nhà trung tâm dữ liệu của chúng tôi cần 2000kVA nhưng hiện nay chỉ có 6kVA. Khi nào hạ tầng đảm bảo được, xin hãy nêu rõ để chúng tôi còn xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm" - ông Vũ Văn Thuần, Giám đốc công ty bất động sản Viettel, đơn vị đang hoạt động trong khu công nghệ này đặt câu hỏi.

Phó Giám đốc Điện lực huyện Thạch Thất, Hà Nội, ông Bùi Văn Chiến hứa rằng, nếu tháng 3 năm nay khởi công xây dựng hạ tầng điện thì đến 2016 sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu điện của các đơn vị tại đây.

Hiện nay, nhiều khu đất trong quy hoạch của khu công nghệ vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Đánh giá về điều này, Trưởng ban Quản lý dự án ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội, ông Nguyễn Văn Ngữ so sánh, khi ông đi công tác tại các khu công nghiệp phía Nam, đều có nhân viên đón tiếp, chỉ dẫn tận tình về các nơi cung cấp điện, nước...và tiến độ xây dựng của họ rất nhanh. Nên ông Ngữ mong muốn khu công nghiệp cao Hòa Lạc cũng học tập các đơn vị bạn.

Để trả lời, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Ban Quán lý khu công nghệ cao này cho biết, các cấp lãnh đạo và UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận khâu giải phóng mặt bằng thì ai đang quản lý đất sẽ giao tiền đền bù cho đơn vị đó, để nhanh chóng có mặt bằng. Vì vậy, khâu giải phóng mặt bằng từ nay sẽ nhanh hơn trước.

Cần những chính sách thu hút nhân tài

TSKH Trần Ngọc Liên, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty liên doanh y học Việt - Hàn cho rằng, kể cả khi xây dựng được cơ sở vật chất tốt thì chúng ta vẫn chưa thu hút được những nhà khoa học giỏi vào đây làm việc, yếu tố quyết định thành công cho "thung lũng Silicon".

Vì chúng ta chưa có chính sách cụ thể để thu hút nhân tài về lương, chỗ ở, đi lại... như Hàn Quốc và Trung Quốc, họ có chính sách cấp nhà, đảm bảo lương cho các nhà khoa học trở về nước họ làm việc, tương đương với ưu đãi ở các nước có kinh tế phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang trăn trở với việc thu hút các nhà khoa học Việt Nam. Chính bản thân ông đã làm việc với nhiều nhà khoa học như GS Ngô Bảo Châu tại chính khu công nghệ này, để làm sao cho Việt Nam có chính sách thu hút được nhân tài.

Vì thế, Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự tính thành lập viện VKIST, học tập mô hình KIST của Hàn Quốc, để thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp cho nước nhà.

Hiện nay, có khoảng 400 nghìn người Việt Nam đang làm khoa học trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, theo TSKH Trần Ngọc Liên, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân thành lập các viện nghiên cứu để kêu gọi các nhà khoa học giỏi từ các nước về Việt Nam làm việc.

Nhà khoa học này đang ấp ủ khát vọng xây dựng một trung tâm nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm về trang bị y tế đạt chất lượng cao.

Mong các doanh nghiệp "đầu tư thật"

Phát biểu trong Hội nghị đầu tư đầu năm 2013, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng mong muốn các doanh nghiệp hãy "đầu tư thật" vào khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tính đến nay, Ban quản lý khu công nghệ này đã cấp chứng nhận đầu tư cho 72 dự án, trong đó có 6 dự án gặp khó khăn, không triển khai được nên bị rút giấy phép đầu tư.

Tổng vốn đầu tư cho 66 dự án còn lại đạt hơn 47 nghìn tỷ đồng, trên diện tích hơn 270 hecta.

Kiều Minh 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang