Thước đo 'sức khỏe' nền kinh tế đến từ yếu tố nào?

author 23:38 05/10/2020

(VietQ.vn) - “Sức khỏe” của nền kinh tế được đo bằng sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, bằng thực lực nền kinh tế phải lớn mạnh, cấu trúc kinh tế phải thay đổi, có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, trình độ cao…

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời cộng hưởng với hàng loạt yếu tố bất lợi khác. Đơn cử như ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; của xu hướng giải ngân đầu tư công ngày càng chậm; của xu thế tăng trưởng chậm lại của nhiều “đầu tàu tăng trưởng” - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, Covid-19 cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thoát khỏi cách tư duy cũ, trói buộc cũ; tiến vượt bậc để đuổi kịp thế giới và đi cùng thời đại…

Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thoát khỏi cách tư duy cũ, trói buộc cũ; tiến vượt bậc để đuổi kịp thế giới và đi cùng thời đại. Ảnh minh họa.

Cụ thể, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Nguyễn Đình Thiên cho biết, người ta vẫn nói “trong nguy có cơ”, rằng cần tận dụng “cơ trong nguy”. Song phải hiểu nhiệm vụ cơ bản bây giờ là “trụ vững” chứ không phải là ra sức tìm kiếm “cơ trong nguy” theo nghĩa “kiếm chác”, nhặt nhạnh các cơ hội bằng tư duy cũ.

Lúc này, ta cần thật bình tĩnh, lo bảo vệ doanh nghiệp, quan sát kỹ tình thế, nương theo sự phục hồi của nền kinh tế thế giới để chuẩn bị cho mình. “Cơ trong nguy” phải chú ý tìm trong dài hạn chứ không phải là cơ hội ăn ngay. Ngược lại vẫn “có nguy trong cơ”, bởi lẽ nếu không có sự chuẩn bị, không có đủ năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ các cơ hội lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, nước nào biết cách tập trung vào nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực nhiều hơn, tập trung khởi nghiệp sáng tạo nhiều hơn thì nước đó bứt lên. Mặt khác, nước nào chuyển sang quản lý số nhanh hơn, hiệu quả hơn thì nước đó sẽ thắng. Và những nước nào có nhiều trung tâm khởi nghiệp, đặc biệt là liên kết cơ sở hạ tầng thì lại càng phát triển...

“Chính vì thế, cơ hội của nước ta giờ đây không thể đo bằng GDP, đo bằng xuất khẩu, mà phải bằng sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, bằng thực lực nền kinh tế phải lớn mạnh, cấu trúc kinh tế phải thay đổi, có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, trình độ cao. Việt Nam không thể chuyển sang nền kinh tế số khi mà nhân lực chủ yếu vẫn là lao động chân tay, làm gia công trong các khu công nghiệp…”, ông Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, muốn phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững thì cần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bởi hiện nay, những gì chúng ta đang làm với Khoa học - Công nghệ vẫn là chạy theo xu thế, thiếu sự đổi mới sáng tạo và tư duy dẫn đầu.

Do đó, Chính phủ, nhất là Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông cần có lộ trình phát triển khoa học công nghệ Quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp, nông nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh…

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, bứt phá từ ý tưởng(VietQ.vn) - Từ ngày 2 - 4/10, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam- VCIC” phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình huấn luyện cho các nhóm dự án vòng 2 chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang