Thuốc giả - hiểm họa chết người

author 11:54 15/11/2012

(VietQ.vn) - Theo ước tính của WHO, thuốc lao và sốt rét giả mạo đã giết chết 700.000 người mỗi năm. 200.000 ca tử vong mỗi năm có thể ngăn chặn được nếu thuốc được sử dụng là thuốc thật, thuốc chất lượng cao.

Hiện nay, ngành y tế vẫn tập trung triển khai nhiều chương trình hành động và các biện pháp ngăn chặn kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp hơn là đối phó với vấn nạn thuốc giả.

Trên Tạp chí Y học Anh, các chuyên gia đã kêu gọi WHO phát triển nhiều chương trình quy mô lớn để đẩy lùi nạn thuốc giả trên toàn thế giới.

Theo báo cáo mới đây của WHO, 1/3 số thuốc chống sốt rét là giả mạo. Tại những quốc gia đang phát triển và các quốc gia nghèo, 1/5 dược phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ở các nước phát triển, số lượng thuốc giả ít hơn nhưng thuốc không đạt tiêu chuẩn và sản xuất trong dây chuyền kém chất lượng vẫn đang gây ra hàng ngàn phản ứng bất lợi dẫn đến tử vong.

Mới đây, ở Mỹ, lô thuốc thuốc bị nhiễm khuẩn gây ra đợt bùng phát bệnh viêm màng não làm hơn 20 người thiệt mạng.

Hủy hàng tấn thuốc giả tại Trung Quốc

Hiệp hội Y tế Công cộng Thế giới , Liên đoàn dược phẩm quốc tế và Hội đồng Y tá quốc tế cho rằng khi chính phủ và các công ty dược phẩm nương tay với nạn thuốc giả thì rất khó khăn để đạt được hiệp ước quốc tế. Nguyên nhân là vì quá nhiều cuộc thảo luận sẽ ảnh hưởng xấu đến giá dược phẩm hoặc các quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù một số nước ban hành luật cấm thuốc giả, nhưng khi chưa có hiệp ước toàn cầu thì tội phạm có tổ chức có thể tiếp tục kinh doanh bằng cách sử dụng những nước luật pháp lỏng lẻo hoặc không ban hành luật về thuốc giả.

WHO ước tính gần 1/3 số nước trên thế giới có luật dược phẩm lỏng lẻo hoặc không ban hành.

Tại Canada, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng nghìn lọ thuốc tim mạch Avastin giả, chỉ chứa tinh bột và nước tẩy sơn móng tay mà không hề có hoạt chất nào.

Các chuyên gia y tế khẩn thiết đề nghị WHO ban hành hiệp ước quốc tế, nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về số sê-ri, mã số toàn cầu của dược phẩm để có thể phân biệt thuốc giả, thuốc thật.

Đến nay, đã có 194 quốc gia thành viên của WHO ủng hộ đề nghị này.

Trong năm 2011, Nghị viện châu Âu đã ban hành chỉ thị bảo vệ bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi thuốc chữa bệnh giả.

Anh Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang