Thuốc hạ huyết áp dùng sai có nguy cơ tử vong cao nên thận trọng

author 11:11 27/12/2020

(VietQ.vn) - Thuốc hạ huyết áp được coi là sản phẩm cứu cánh cho những người bị bệnh về huyết áp tuy nhiên khi sử dụng sai cách có thể dẫn tới tử vong.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc thuốc hạ huyết áp Amlodipin do sử dụng quá liều. 

Bệnh viện thông tin cụ thể, trường hợp nữ bệnh nhân sinh năm 1938 tên  T. nhập viện trong tình trạng hôn mê. Ban đầu người bệnh được chẩn đoán sốc chưa rõ nguyên nhân, suy đa tạng, theo dõi ngộ độc thuốc chẹn kênh canxi, đái tháo đường và kèm theo nhiều bệnh lý nền phức tạp như: Tăng huyết áp, suy hô hấp, Ngất - trụy mạch, đợt cấp COPD, nhồi máu cơ tim cấp, bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline, …

Dùng thuốc huyết áp sai cách có thể gây tử vong. Ảnh: Thành Tuyên 

Theo tìm hiểu từ người nhà, cụ T. có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và nhiều bệnh lý nền phức tạp. Cụ T. thường xuyên tự dùng thuốc không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đỉnh điểm, cụ T. đã uống cùng lúc 47 viên Amlodipin 5mg (tổng liều lượng 235mg) - một loại thuốc hạ huyết áp thông dụng thường được bác sĩ kê đơn cho những người có bệnh lý tăng huyết áp.

Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết, việc sử dụng một hàm lượng lớn thuốc này đã khiến cơ thể cụ T. bị nhiễm độc và kéo theo nhiều biến chứng nặng nề. Tuy cụ đã được các bác sĩ tích cực hồi sức cấp cứu và điều trị hỗ trợ bằng các kỹ thuật hiện đại nhất như tim phổi nhân tạo vẫn nhưng không thể qua khỏi.

Trường hợp nữ bệnh nhân sinh năm 1960 tên C. nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp nặng. Bà C. cũng là người có tiền sử tăng huyết áp và được bác sĩ kê đơn dùng thuốc hạ huyết áp thường xuyên. Theo lời kể, bà C đã cùng thời điểm sử dụng 29 viên thuốc amlodipin 5mg (tổng liều lượng là 145 mg) dẫn đến tụt huyết áp, choáng ngất và được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên đã qua nguy kịch. Hiện sức khỏe và tinh thần dần ổn định.

Theo chia sẻ của bệnh nhân C: “Do không ngủ được, nên bà uống thuốc an thần cho dễ ngủ, nhưng chẳng may lại uống nhầm thuốc. Cũng may bà được người cháu phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời nên các bác sĩ đã cứu sống. Hiện tại, bà cảm thấy sức khỏe đang dần ổn định trở lại. Qua lần này, bà cho biết sẽ cẩn trọng hơn trong vấn đề sử dụng thuốc để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc như vừa rồi”.

Liên quan tới loại thuốc Amlodipin mà bệnh nhân đã uống, Thạc sĩ Bác sĩ Trần Giáp (Phó trưởng khoa Cấp cứu) cho biết, Amlodipin là thuốc phổ thông, được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Thông thường thuốc được chỉ định liều dùng từ 1 - 2 viên/ngày theo lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu do ngộ độc Amlonliphin trong cộng đồng. Nguyên nhân, người bệnh uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý tăng liều với mong muốn hạ huyết áp nhanh. Điều này dẫn đến hạ huyết áp, ngất hoặc hạ huyết áp không phục hồi và nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nề nhất dẫn đến tử vong.

Cũng theo bác sĩ Giáp, trong trường hợp, sử dụng quá liều thuốc hạ huyết áp, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút, người lạnh, tê phù chân tay,… thì cần được đưa đến cơ sở y tế ngay để được xử trí cấp cứu.

Qua 2 trường hợp trên, bác sĩ Giáp khuyến cáo người dân đặc biệt là những người có nền bệnh lý tăng huyết áp nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và đến cơ sở y tế khám định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, lựa chọn thuốc và kê đơn sử dụng, điều chỉnh liều lượng phù hợp. Từ đó, giúp điều trị bệnh hiệu quả, giảm các nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ, suy tim, tránh tác dụng phụ không mong muốn và quá liều gây ngộ độc.

Những loại thuốc trị tiểu đường chứa chất cấm gây ung thư bị thu hồi(VietQ.vn) - Trong điều trị bệnh tiểu đường, các thuốc trị tiểu đường đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên thời gian gần đây không ít loại thuốc trị tiểu đường bị thu hồi do chất chất cấm.

Còn theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu khuyến cáo, thuốc huyết áp hiện thị trường bán rất nhiều loại nhưng một số nhóm thuốc thường được sử dụng nhưng cũng có tác dụng phụ người bệnh cần quan tâm dưới đây:

Nhóm thuốc lợi tiểu (thiazide, hydroclorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren). Nhóm này có thể gây hạ huyết áp thể đứng hoặc biến đổi nồng độ lipid máu gây hạ canxi, kali, magiê máu, có thể gây liệt dương (nam giới) và có thể gây tăng đường huyết (cần lưu ý, không nên dùng cho người đái tháo đường).

Nhóm thuốc chẹn bê-ta (atenolol, propranolol, metoprolol, bisoprolol, carvedilol...) có tác dụng phụ là co thắt mạch ngoại vi, làm chậm nhịp tim, co thắt phế quản, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (do đó, cần lưu ý nhất đối với người hen suyễn, nhịp tim chậm không được sử dụng thuốc nhóm này).

Nhóm ức chế men chuyển (coversyl, captopril, enalapril, imidapril, lisinopril, perindopril, ramipril...) có tác dụng phụ như suy thận, phù mạch, nhức đầu, mệt mỏi, sụt cân, choáng váng, rối loạn men gan, rối loạn vị giác, đau cơ, khớp hoặc có thể gây liệt dương (nam giới), hạ huyết áp thể đứng, buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, phù ngoại vi, đặc biệt là ho khan dai dẳng không có thuốc nào chữa được trừ khi ngừng dùng thuốc.

Nhóm chẹn kênh canxi (nifedipin, verapamil, diltiazem, amlodipin, felodipin, lacipin...) với tác dụng phụ có thể xảy ra nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp, choáng váng...

Nhóm thuốc giãn mạch (hydralazine, monoxidil...), nếu có tác dụng phụ thì chủ yếu gây nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, đỏ bừng mặt, giữ nước, sung huyết mũi, đau ngực, tim đập nhanh, sử dụng lâu ngày có thể gây tổn hại mô liên kết gây nên bệnh lupus.

Nhóm thuốc tác động vào hệ thần kinh trung ương (clonidine...), có thể có tác dụng phụ gây khô miệng, buồn ngủ, giữ nước, nhịp tim chậm, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn (cần lưu ý, không dùng cho người nhịp tim chậm).

Thống kê cho thấy, một số nhóm thuốc trong điều trị tăng huyết áp thì nhóm nào cũng có tác dụng phụ, không thể nói là nhóm nào có tác dụng phụ nhiều hay ít nhất. Vì vậy, việc điều trị tăng huyết áp là vô cùng quan trọng và không ít khó khăn, không thể tự mua thuốc để điều trị cho bản thân mình hoặc người nhà.

Muốn sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả nhất trong bệnh tăng huyết áp thì người bệnh cần đi khám để được bác sĩ điều trị kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc và nên định kỳ khám bệnh để các bác sĩ điều chỉnh thuốc (tăng hoặc giảm liều hoặc duy trì).

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang