"Thuốc lạ" vào bệnh viện

author 13:43 12/08/2013

Thời gian qua, cụm từ “thuốc hàm lượng lạ” được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đề cập để nói về tình trạng thuốc trúng thầu trong các đơn vị y tế có hàm lượng không như quy ước, nhưng giá thành lại cao ngất ngưởng.

 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 19.1.2012, hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, với mục đích cung cấp những loại thuốc có chất lượng với giá hợp lý cho bệnh viện, qua đó làm giảm gánh nặng điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, ý tưởng này xem ra đang bị “nhoè” đi khi thực tế thuốc giá cao (chưa biết chất lượng thế nào!) vẫn dễ dàng vào bệnh viện bằng nhiều cách khác nhau.

Nếu hội đồng đấu thầu thuốc nào cũng làm việc nghiêm túc, đặt quyền lợi bệnh nhân và Nhà nước lên trên hết, thì tình trạng trên khó lòng xảy ra. Nhưng thực tế thì khác! Trong ảnh: bệnh nhân chờ lãnh thuốc tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo
Nếu hội đồng đấu thầu thuốc nào cũng làm việc nghiêm túc, đặt quyền lợi bệnh nhân và Nhà nước lên trên hết, thì tình trạng trên khó lòng xảy ra. Nhưng thực tế thì khác! Trong ảnh: bệnh nhân chờ lãnh thuốc tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo


Thuốc “hàm lượng lạ”

Điển hình là các mặt hàng kháng sinh Cephalosporin (với các biệt dược Celalexin, Ceftazidim, Cefotaxim) của công ty cổ phần tập đoàn Merap có hàm lượng 75mg, 100mg, 350mg, 700mg, 1,25g trong khi dược thư quốc gia chỉ ghi nhận hàm lượng 250mg, 500mg, 1g, 2g. Liên tiếp trong hai tháng 6 và 7.2013, cục Quản lý dược – bộ Y tế đã ra văn bản cảnh báo Merap về việc kê khai giá thuốc các mặt hàng của công ty này có giá kê khai không hợp lý.

Tưởng chừng sau vụ việc Merap, “thuốc hàm lượng lạ” sẽ sạch bóng thì mới đây chúng lại xuất hiện trong danh mục trúng thầu sơ bộ của một bệnh viện tầm cỡ ở phía Nam. Nhìn sơ qua danh sách này, người không chuyên môn cũng thấy nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn mặt hàng Ciprofloxacin infusion 200mg/100ml (tên thương mại Ciprofloxacin) của Claris Lifesciences (Ấn Độ) có giá 12.000 đồng/chai, nhưng Ciprofloxacin infusion 400mg/200ml (Ciprofloxacin infusion) của Ltd “Yuria-Pharm” (Ukraine) lại là… 160.000 đồng/chai. Cứ cho mặt hàng sau có hàm lượng gấp đôi mặt hàng đầu, nhưng không lẽ giá trị lại gấp 13 lần? Cần lưu ý, hai mặt hàng này đều xếp cùng nhóm PIC/S (nhóm thuốc sản xuất tại các nước tham gia hệ thống hợp tác về thanh tra dược phẩm), nghĩa là chất lượng không thể hơn nhau. Như thế, nếu xét về sự tương đồng hàm lượng và cùng nhóm, chênh lệch giá ở đây là 136.000 đồng/chai!

Tương tự, Levofloxacin 500mg/100ml (Levobac) của Popular Infusion Ltd (Bangladesh) giá 61.500 đồng/chai, nhưng nếu thuốc được điều chỉnh thành “hàm lượng lạ” như Getlox 750 IV 750mg/150ml của Getz Pharma (Pakistan), giá lại đội lên… 201.000/chai. Chênh lệch giá 108.750 đồng/chai, dù cả hai mặt hàng đều thuộc nhóm 3 (nhóm thuốc không thuộc nhóm 1 – sản xuất tại các nước tham gia EMA, ICH hoặc PIC/S và nhóm 2 – sản xuất tại các cơ sở sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP-WHO theo khuyến cáo của WHO được cục Quản lý dược kiểm tra và cấp giấy chứng nhận). “Thuốc hàm lượng lạ” cũng xuất hiện từ các công ty trong nước. Trong khi Ciprofloxacin infusion 200 mg/100ml (Ciprofloxacin Kabi) của Bidiphar 1 có giá 17.640 đồng/chai thì Ciprofloxacin infusion 400 mg/200ml (Logiflox infusion) của Pharbaco có giá 95.000 đồng/chai. Xét về sự tương đồng hàm lượng và cùng nhóm (nhóm Việt Nam), chênh lệch giá ở đây là 59.720 đồng/chai.

Vì sao có chuyện “thuốc hàm lượng lạ”? Theo một dược sĩ của sở Y tế TP.HCM, đây là chiêu tạo ra mặt hàng riêng biệt, độc quyền, vừa nhằm tăng ưu thế cạnh tranh khi tham gia đấu thầu, vừa đẩy giá thuốc lên cao để… móc túi người bệnh!

Thuốc dạng “đóng gói lạ”

Nói lạ chứ thật ra những kỹ thuật này cũng thường dùng trong đóng gói và bảo quản thuốc, thế nhưng nếu nghĩ ra một loại thuốc có dạng đóng gói không theo bình thường, thuốc cũng trở nên độc quyền và từ đó thao túng giá cũng dễ dàng hơn. Điển hình là Levofloxacin 500mg/100ml, dạng chai nhựa của Marck Bioscience (Ấn Độ) – tên thương mại Amflox – có giá 75.000 đồng/chai, nhưng trong danh sách trúng thầu của một bệnh viện, ngoài mặt hàng này người ta còn thấy Levofloxacin 500mg/100ml dạng túi nhựa của PT Sanbe faema (Indonesia) – tên thương mại Sanbelevocin – có giá… 119.000 đồng/túi! Thật vô lý khi cả hai mặt hàng này cùng thuộc nhóm 1, nhưng khi đổi chai nhựa thành túi nhựa mặt hàng sau có giá đắt hơn 44.000 đồng! Một thí dụ khác là Paracetamol Infusion 1g/100ml. Cùng hàm lượng như thế, nhưng Feb C37 (tên thương mại) của Marck Bioscience (Ấn Độ) giá 31.000 đồng/chai, còn Paracetamol G.E.S của S.C.Infomed Fluids (Romania) giá 44.800/túi, chênh lệch 13.800 đồng dù cả hai cùng thuộc nhóm 1.

Không chỉ đổi giá bằng đổi dạng đóng gói, một số mặt hàng trúng thầu còn tăng giá bằng cách thay đổi gốc muối. Chẳng hạn Clopidrogel sulfate 75mg (tên thương mại Troyplatt) của Troikaa (Ấn Độ) giá 2.900 đồng/viên, nhưng Clopidrogel hydrogen sulfate 75mg (Dclot) của The Acme laboratories Ltd (Bangladesh) lại có giá 4.000 đồng/viên. Theo một chuyên gia ngành dược, nếu làm theo cách này, một loại thuốc có thể có nhiều giá khác nhau. Chẳng hạn thay vì gốc muối natri, người ta đổi thành gốc potassium, calcium, magnesium, citrate, sulfate, trihydrate... Vấn đề là các gốc muối này, theo chuyên gia dược, không ảnh hưởng gì đến chất lượng thuốc. Tương tự, việc thay quy chuẩn đóng gói cũng không làm cho thuốc tốt hơn, nhưng điều này sẽ làm cho một hoạt chất có thể trúng thầu với vô số hình thức lạ (chai thuỷ tinh/chai nhựa, vỉ nhôm/vỉ nhựa, hộp 1 lọ, 5 lọ, 10 lọ, dạng bột đông khô kèm nước cất/dạng bột đông khô không kèm nước cất…) qua đó tạo thế độc quyền trong đấu thầu và đẩy giá thuốc lên cao.

Ai tiếp tay?
 
Một cán bộ sở Y tế TP.HCM nói không thể trách “thuốc có hàm lượng lạ”, vì chúng hoàn toàn hợp lệ do đã được cục Quản lý dược – bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Trả lời trên một tờ báo, ông Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết chỉ xem xét thanh toán bảo hiểm y tế các loại “thuốc hàm lượng lạ” trúng thầu với giá ngang bằng thuốc cùng loại có hàm lượng thông thường, nếu không, bảo hiểm sẽ bị thiệt lớn.
 
Nhưng điều đáng nói hơn là lọt vào danh sách trúng thầu còn có những loại thuốc chưa được cấp phép lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu vào thời điểm mở thầu, như thế là hoàn toàn sai quy định.

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang