Thuốc nhỏ tai có thể gây điếc vĩnh viễn

author 14:02 04/12/2017

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, thói quen tự dùng thuốc của người bệnh làm cho tỷ lệ điếc do thuốc nhỏ tai ngày càng tăng lên.

Điếc do các thuốc nhỏ tai tại chỗ

TS.BS Phạm Thị Bích Đào (bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) lý giải nguyên nhân là do thành phần có trong một số thuốc có thể tác động lên bộ phận tai trong như mê nhĩ, dây thần kinh nghe gây tổn thương không hồi phục.

Điển hình là một số thuốc nhỏ tai không được dùng cho tai thủng, tuy nhiên thói quen tự dùng thuốc của người bệnh làm cho tỷ lệ điếc do thuốc nhỏ không phải là thấp, theo thống kê chiếm 3,1%.

Những thuốc loại này thường được ghi trong hướng dẫn sử dụng là không được dùng khi màng nhĩ tai bị thủng, thành phần của thuốc thường chứa nhóm aminoglycosid, phổ biến là neomycine.

Thuốc nhỏ tai có thể gtaay điếc vĩnh viễn người dùng nên thận trọng. Ảnh minh họa

Thuốc nhỏ tai có thể gây điếc vĩnh viễn người dùng nên thận trọng. Ảnh minh họa 

Điếc do các thuốc dùng toàn thân

Trong quá trình điều trị bệnh, rất nhiều người không biết là có một số loại thuốc có thể gây tổn hại tới thính lực hoặc làm tăng nguy cơ giảm thính lực trên những người đã có sẵn bệnh về tai. Tác động âm thầm này khiến cho nhiều người không biết nguyên nhân vì sao mà mình bỗng nhiên bị giảm hoặc mất thính lực.

Một số thuốc rất nhạy cảm lên hệ thần kinh thính giác của trẻ khi uống. Một số thuốc có thể làm mất sức nghe ở trẻ chưa sinh khi người mẹ mang thai uống thuốc đó. Rủi ro của các loại thuốc này tăng lên nếu trẻ hoặc người mẹ còn bị bệnh thận.

Kháng sinh nhóm aminoglycosides

Các kháng sinh này dùng để trị nhiễm vi khuẩn, bao gồm: streptomycin, kanamycin và những kháng sinh thuộc nhóm mycin. Kháng sinh nhóm aminoglycosides thường hay được sử dụng ở vùng hẻo lánh hoặc ở những nước chậm phát triển, do giá thành thấp.

Tại Trung Quốc, hơn một nửa những trường hợp mất thính lực nặng được xác định là do sử dụng aminoglycosides. Điều này dễ dàng xảy ra ở trẻ nhỏ nếu trẻ uống các loại thuốc kháng sinh này hoặc mẹ trẻ uống trong thời gian mang thai.

Các loại thuốc kháng sinh này thường được tiêm. Chúng chỉ nên được sử dụng đối với các bệnh nhiễm trùng nặng như viêm phổi (trong phác đồ điều trị viêm phổi có nhắc đến gentamycin).

Quá nguy hiểm nếu những người này ăn súp lơ sai cách(VietQ.vn) - Súp lơ từ lâu được coi là siêu thực phẩm đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu chế biến và lựa chọn súp lơ sai cách sẽ không hề tốt cho sức khỏe.

Các thuốc salicylates

Cụ thể là aspirin. Khi sử dụng aspirin liều cao trong những trường hợp đau khớp thì aspirin sẽ gây giảm thính lực với triệu chứng ù tai. Không như những trường hợp mất thính lực do các loại dược phẩm khác, sự mất thính lực gây ra bởi các thuốc salicylates sẽ được cải thiện trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi ngưng sử dụng thuốc.

Thuốc lợi tiểu, thuốc trị sốt rét

Việc sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc trị sốt rét như quinine... Các thuốc kháng viêm không steroid (NAIDs) như ibuprofen, aspirin có thể làm mất thính lực nếu sử dụng quá liều bình thường. Nó cũng có thể gây nên điếc tạm thời và có tiếng vo vo trong tai (ù tai) nhưng những vấn đề này thường mất đi sau khi ngừng uống aspirin.

Đây là một nhóm thuốc gây hại nặng nhất cho tai, bao gồm acid ethacrynic, furosemid, bumetanid. Thuốc gây độc mạnh nhất ở người cao tuổi, người suy gan, suy thận. Độc tính tăng thêm khi dùng đồng thời với kháng sinh nhóm aminoglycosid.

Thuốc chống ung thư

Thuốc chống ung thư cũng có thể gây suy giảm thính lực ở các mức độ khác nhau. Do đó, để an toàn khi dùng thuốc là mong ước lớn nhất của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Người bệnh không nên tự dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Cần thông báo cho bác sĩ những loại thuốc mình đang dùng và tiền sử bệnh để bác sĩ có hướng điều trị.

Với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy gan thận không được dùng các thuốc có khả năng gây độc cho tai, mà phải thay thế bằng các thuốc khác có cùng tác dụng.

Nếu bắt buộc phải dùng, bệnh nhân cần được đo thính lực và theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình dùng thuốc (đặc biệt là các kháng sinh). Trong và sau thời gian dùng thuốc nếu thấy biểu hiện ù tai, nghe kém nên đến ngay bác sĩ kiểm tra để được điều trị kịp thời.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang