Bình Định: 7 học sinh nhập viện sau khi uống thuốc tẩy giun

author 17:00 08/05/2015

(VietQ.vn) - 14 giờ ngày 7-5, nhiều học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quy Nhơn) sau khi uống thuốc tẩy giun đã có biểu hiện lả người, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Nguyên nhân được dự đoán là do uống thuốc tẩy giun.

Theo tin tức từ báo Công An Nhân Dân, vào 14 giờ ngày 7-5, nhiều học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quy Nhơn) sau khi uống thuốc tẩy giun đã có biểu hiện lả người, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. 7 học sinh có triệu chứng nặng nhất được đưa vào bệnh viện.

Thuốc tẩy giun có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm

Thuốc tẩy giun có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm. Ảnh minh họa

Cuối chiều 7-5, bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho biết, nguyên nhân khiến 7 học sinh nhập viện sau khi uống thuốc tẩy giun là do tác dụng không mong muốn của thuốc. Bác sĩ Khoa Nhi kết luận tình trạng sức khỏe của cả 7 em là không đáng lo ngại. Hầu hết các em đều ổn định sức khỏe ngay sau khi uống sữa và nghỉ ngơi.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, việc nhà trường cho học sinh uống thuốc tẩy giun nằm trong kế hoạch tẩy giun cho học sinh tiểu học TP Quy Nhơn năm 2015 do Trung tâm Y tế Dự phòng và Phòng GDĐT TP Quy Nhơn phối hợp thực hiện. Thời gian tẩy giun từ ngày 5 đến 15-5. Thuốc được sử dụng là Albendazol 400mg.

Liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc tẩy giun, Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái chia sẻ trên báo Zing News cho hay, các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, trung gian quan trọng là bàn tay. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất bị lây nhiễm. Vì vậy, bác sĩ Thái khẳng định cần tẩy giun cùng lúc cho cả nhà mới đem lại hiệu quả.

Nên lưu ý khi tẩy giun để tránh những hậu quả đáng tiếc

Nên lưu ý khi tẩy giun để tránh những hậu quả đáng tiếc. Ảnh minh họa

Trước kia, các bác sĩ thường khuyên uống thuốc giun vào thời điểm trước khi đi ngủ đêm, lúc hơi đói; hoặc sau khi ăn sáng bằng đồ có nước, trơn như bún, phở… sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay, phương pháp tẩy giun đã có nhiều cải tiến. Việc uống thuốc không còn bị hạn chế bởi thời gian, có thể sử dụng vào mọi thời điểm trong ngày, dù đói hay no. Cách uống cũng rất linh hoạt, có thể nhai, nuốt chửng hoặc nghiền trộn với thức ăn.

Hai loại thuốc tẩy giun phổ biến nhất hiện nay là Mebendazole và Albendazole. Các thuốc này đều dễ sử dụng và ít tác dụng phụ, tạo thuận lợi hơn cho công tác phòng chống bệnh. Sau khi tẩy giun sán ra khỏi cơ thể, phải xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường vì chúng thường chứa đựng một lượng trứng rất lớn.

Đặc biệt, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn uống, môi trường để phòng chống sự tái nhiễm. Do ở Việt Nam môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm nặng tạo điều kiện để mầm bệnh giun sán phát triển trở lại. Các gia đình nên có kế hoạch điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra. 

 Kim Trang (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang