Thương hiệu nước ngoài “nuốt trọn” thị trường Việt

author 08:22 05/06/2014

(VietQ.vn) - Những "ông lớn" ngành thức ăn nhanh, thức uống, hàng tiêu dùng từ nhu yếu phẩm đến xa xỉ đang tăng tốc trên đường đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam.

Chỉ còn mấy tháng nữa là đến tháng 1/2015, tức là thời điểm thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Đây là một trong những nội dung mà nước ta cam kết gia nhập WTO. Khi mà giờ "G" đang được đếm lùi thì hàng loạt "cá mập" thị trường nước ngoài đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để giành thị trường. Tất cả đã và đang mang lại sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu nước ngoài tại thị trường trẻ được đánh giá đầy tiềm năng này.

Thi nhau chiếm lĩnh thị trường

Theo khảo sát của Báo Kinh tế Việt Nam, chưa bao giờ có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới xuất hiện tại Việt Nam như hiện nay: MC Donald, Lotteria, Goloria Jeans Coffees, Lee’s Sandwiches, Jollibee, KFC, Coffe Bean & Tea Leaf, Bread Talk, Pizza Hut… (thực phẩm), Louis Vuitton, Gucci, CK, Mango, Timberland… (thời trang). Nhiều thương hiệu khá thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường, số lượng cửa hàng tăng lên nhanh chóng dưới hình thức nhượng quyền thương mại.

thương hiệu aeon của Nhật Bản

Trong năm 2020, Aeon đặt mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại

Trong thị trường bán lẻ châu Á, không ai còn xa lạ với cái tên Aeon, một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Có mặt ở Việt Nam từ 3 năm trước, tuy nhiên, họ chủ yếu nghiên cứu thị trường để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" ồ ạt vào năm 2015. Vào tháng 1/2014, Aeon mới có một trung tâm mua sắm ở TP.HCM với số vốn đầu tư khổng lồ 100 triệu USD. Thậm chí, không giấu giếm ý định "thống lĩnh" thị trường Việt, họ còn đặt mục tiêu, có 20 trung tâm thương mại vào năm 2020.

Siru thị Lotte Mart của Hàn Quốc

Trong tương lai gần, Lotte sẽ chiếm vị trí hàng đầu thị trường bán lẻ Việt Nam

Một con "cá mập" khác của Hàn Quốc thời gian qua cũng đang âm thầm gây dựng vị thế của mình ở Việt Nam phải kể đến là Lotte. Sau khi khai trương Lotte tại 229 Tây Sơn (Đống Đa - Hà Nội) với diện tích sàn hơn 20.000m2 vào tháng 3/2014, Tập đoàn này sẽ tiếp tục phát triển hệ thống trong tòa nhà Lotte Center (Ba Đình, Hà Nội). Đặc biệt, ở khu vực phía Nam, Lotte đã thuê lại toàn bộ Pico Plaza, tại số 20 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM). 

Kế hoạch của Lotte là đến năm 2020 khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại. Nếu tính chi phí đầu tư mỗi trung tâm thương mại là 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ có thể lên tới hàng tỷ USD và chiếm vị trí hàng đầu tại Việt Nam.

Ở nhóm hàng xa xỉ, Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) mở cửa trở lại giữa tháng 4 vừa qua đã hút nhiều đại gia hàng hiệu đẳng cấp quốc tế đổ bộ vào Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ với VnExpress.net, có hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu đã vào Tràng Tiền với những hợp đồng dài hạn kèm theo cam kết vững chắc. Ông trùm hàng hiệu này tiết lộ, không kể 400 tỷ đồng cải tạo Tràng Tiền bên ngoài, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và hàng hóa lên đến 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng, theo Vnexpress đưa tin.

Thay đổi văn hóa tiêu dùng  của người Việt

Việc đổ bộ tràn lan các thương hiệu nước ngoài sẽ làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người Việt

Việc đổ bộ tràn lan các thương hiệu nước ngoài sẽ làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người Việt

Theo ông Francis Hùng, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp, các thương hiệu bán lẻ quốc tế vào Việt Nam sẽ tạo sức ép rất lớn lên các nhà bán lẻ trong nước. Bởi lẽ, khối ngoại có tiềm lực tài chính vững mạnh, giàu kinh nghiệm, trình độ quản lý hệ thống cao và dữ liệu nghiên cứu khảo sát thị trường sâu rộng. Tầm nhìn về việc tái đầu tư cũng như tăng cường sức mạnh thương hiệu của khối ngoại cũng vượt trội so với khối nội."Nhà bán lẻ quốc tế sẽ không chỉ xâm nhập về kinh tế mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lên văn hóa tiêu dùng. Một vài năm nữa cục diện sẽ thay đổi rất nhanh", ông Hùng dự báo.

Sẽ có 1.300 siêu thị vào năm 2020

Tại Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, một vài năm trở lại đây, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ đang gia tăng chóng mặt, chiếm 40%/hơn 700 siêu thị và trung tâm thương mại trên khắp cả nước. Theo quy hoạch của bộ Công thương, từ nay tới năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, tăng gần 650 điểm so với năm 2011. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm, như báo Đời sống pháp luật cho biết.

Nguyễn Huyền (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang