Thương mại điện tử giăng bẫy người tiêu dùng

author 12:40 19/11/2012

(VietQ.vn) - Khoảng hai năm trở lại đây, thương mại điện tử ở Việt Nam được xem là đã có những bước khởi sắc trong việc triển khai mô hình mua, bán qua các trang web rao vặt, diễn đàn mua sắm, mua chung theo nhóm... Tuy nhiên, chợ “ảo” hiện nay cũng tồn tại nhiều kiểu giăng bẫy, lừa đảo người tiêu dùng.

Lời tòa soạn: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các giao dịch thương mại điện tử thông qua các website mua bán trực tuyến phục vụ người tiêu dùng cũng nhanh chóng ra đời đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đằng sau những giao dịch mua bán là cả một hệ thống quản lí. Tuy nhiên không ít người tiêu dùng vẫn cảm thấy bất an từ các giao dịch trao tay mờ ảo. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về hoạt động của các giao dịch thương mại, chợ điện tử ở trên mạng, tuần này Chất lượng Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Thương mại điện tử giăng bẫy người tiêu dùng" để bạn đọc có cái nhìn đa chiều về hoạt động thương mại điện tử bên cạnh những thuận lợi mà thương mại điện tử mang lại.

Kì 1: Nhộn nhịp chợ kiểu “click” 

Chợ điện tử, chợ “ảo“ đang phát triển nhộn nhịp trong thời đại “nhà nhà nối mạng, người người dùng internet”. Chỉ cần một cú click chuột, hàng hoá sẽ bày ra trước mắt người mua, từ cái kim, sợi chỉ cho đến…xe máy, ôtô
 
Hàng “ảo”: Từ cây kim đến… bao cao su
 
Thống kê của Vụ TMĐT-Bộ Công Thương thì hiện nay có trên 300 website B2C (thương nhân cung cấp hàng đến người tiêu dùng), gần 100 website C2C (người tiêu dùng mua, bán trực tiếp với nhau) và gần 40 website B2B (DN mua, bán với DN) được xem là có hoạt động từ tương đối khá trở lên, bảo đảm các tiêu chí của thị trường TMĐT.
 
Trong đó, 10 trang web được xem là uy tín nhất là: pacificairlines.com.vn (jetstar.com/vn/), 123mua.com.vn; travel.com.vn; megabuy.com.vn; golmart.com.vn; thegioididong.com, ben.com.vn, vinabook.com.vn, saigontourist.net; 25h.vn.
Dịch vụ thương mại điện tử hiện thu hút được rất đông người tiêu dùng sử dụng
Dịch vụ thương mại điện tử hiện thu hút được rất đông người tiêu dùng sử dụng
 
Ngoài ra, cũng có nhiều chợ “ảo” hoạt động khá nhộn nhịp được rất nhiều thành viên, nhất là giới trẻ tham gia như các trang web” muaban.com, muabanraovat.com, toitim.com, raovatdtdd.com, emuasam.com, muare.vn, vatgia.com, chodientu.vn…  Nhiều trang web thu hút đến trên 50.000-100.000 thành viên truy cập thường xuyên. 
 
Hầu hết các trang web này đều có giao diện đẹp, đa ngôn ngữ, hàng hoá được sắp xếp thành từng chuyên mục, từng “gian” gọn gàng không kém gì các siêu thị ở ngoài. Mặt hàng được quan tâm nhiều nhất trên chợ “ảo” vẫn là đồ điện tử thuộc dạng “second hand” hoặc  xách tay, mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng. Gần đây nhiều trang web lại xuất hiện thêm cả mảng thực phẩm và …đồ cổ.
 
Mua bán trực tuyến thông qua các website đã trở nên phổ biến hơn, từ vé máy bay, đặt phòng khách sạn, thanh toán tiền điện, cước viễn thông, mua sách hay nước hoa. Còn tại các trang web mua sắm rao vặt cũng bày bán đủ loại hàng hóa mới, cũ, giá cả thì tương đối “mềm”. Từ các loại điện thoại di động, máy tính, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, đồ điện tử sách, báo, đến các loại đồ lưu niệm đến cả dưa, cà, mắm, muối cho đến thuốc bổ, thực phẩm chức năng và… bao cao su. Bất kỳ thứ gì ngoài chợ thật có thì chợ “ảo” cũng có. 
 
Chỉ cần máy vi tính kết nối internet, cho biết tên địa chỉ email, mật khẩu… là bạn có thể trở thành thành viên của trang web đó. Nếu ưng ý mặt hàng nào thì chỉ gọi thêm một cú điện thoại thỏa thuận giá cả để người mua mang hàng đến tận nhà. Hoặc chuyển tiền tiền qua tài khoản, người mua sẽ chuyển hàng qua đường bưu điện. Các phương thức thanh toán và giao hàng cũng trở nên linh hoạt hơn để phù hợp với những người không có thẻ tín dụng. Vì nhiều website bán hàng đã mạnh dạn tích hợp cổng thanh toán trực tuyến. 
 
Chợ online cứu cánh cho bán lẻ
 
Số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam chiếm một phần ba dân số và 60% trong số đó lên mạng tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua. Từ năm 2000 đến 2012, trung bình mỗi năm tốc độ phổ cập Internet ở Việt Nam tăng 20%, vào loại cao nhất trong khu vực châu Á. 
 
Một khảo sát của Bộ Thương mại với 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cho thấy 60% trong số đó đã áp dụng hình thức giao dịch bằng thương mại điện tử. Nguồn thu từ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt gần 2 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, và được dự báo lên con số 6 tỷ USD vào năm 2015. 
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, thương mại điện tử là một phương thức hoạt động hiện đại, thuận lợi. Đối với người tiêu dùng, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể mua vé máy bay, đặt khách sạn, gửi hoa cho bạn bè hoặc mua được các món hàng thời trang yêu thích… hàng hóa cũng như các thông tin liên quan đều ở dạng số hóa, tiện ích cho cả người mua và người bán.
Mua bán hàng qua mạng nên thận trọng
Mua bán hàng qua mạng nên thận trọng
 
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm vượt trội, những trang web mua sắm cũng mang lại nhiều rủi ro cho người tiêu dùng nếu chúng ta không hiểu rõ các qui định cũng như cách thức thực hiện giao dịch thương mại điện tử. Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân; các địa chỉ giao dịch ảo; các hợp đồng "mập mờ" về giá cả, quảng cáo, chất lượng hàng hóa… đã và đang là những hành vi phổ biến vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
 
Bất chấp những rào cản nói trên, các công ty nước ngoài vẫn nhìn ra nhiều cơ hội tiềm tàng tại một đất nước có gần 80 triệu dân. Đơn cử là các “ông lớn” như Google Google, Alibaba, Rakuten, eBay hay Amazon cũng đã xây dựng các trang bán hàng online tại Việt Nam. đang dần xây dựng sự hiện diện tại đây. Vào tháng 6 vừa rồi, Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Với mục tiêu nhắm đến các công ty vừa và nhỏ, Google hy vọng sẽ thu về 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này. 
 
Ngoài ra, Alibaba và eBay cũng mới lựa chọn các nhà đại diện chính thức tại Việt Nam. Cách đây không lâu, eBay đổ tiền mua 20% cổ phần tại Peacesoft Solution, công ty sở hữu trang chodientu.com. Còn Alibaba chọn Công ty Investment and Technology JSC làm đại diện. Amazon và Rakuten cũng đang tiếp cận một số bên để tìm kiếm cơ hội hợp tác. 
 
Trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, MasterCard cũng đã ký hợp tác với liên minh thẻ Smartlink, cho ra đời cổng thanh toán Smartlink - MasterCard cho phép các chủ thẻ nội địa của các ngân hàng thành viên Smartlink thực hiện thanh toán trực tuyến với các website bán hàng bằng các loại thẻ quốc tế thông dụng như Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club.
 
Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trong nước cũng đẩy nhanh tốc độ mở rộng kết nối với ngân hàng để trở thành đầu mối kết nối với tất cả các ngân hàng. Doanh nghiệp nào đi trước trong mô hình này sẽ chiếm ưu thế lớn trong cả thị trường thanh toán trực tuyến.
 
Theo thống kê của Công ty Peacesoft (sở hữu website thanh toán trực tuyến www.nganluong.vn), sau gần một năm, tổng giao dịch qua cổng nganluong.vn đạt gần 1,2 triệu USD. Hiện nganluong.vn có khoảng 70 nghìn tài khoản và hơn 500 website bên ngoài chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng nganluong.vn ngoài chodientu.vn và eBay.vn. (Còn nữa)
 
Minh Hiếu
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang