Thương mại điện tử là ‘điểm sáng’ của cuộc CMCN 4.0

author 07:01 06/10/2019

(VietQ.vn) - Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định, với tốc độ phát triển 20-30%/năm, thương mại điện tử đang là điểm sáng của cuộc CMCN 4.0…

Ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao vào khoảng 25% và lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, hàng loạt website TMĐT mới xuất hiện; các quỹ đầu tư, tập đoàn TMĐT nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư vào các sàn, các trang web TMĐT trong nước. Thị trường TMĐT đang ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn khi có nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường như Shopee, SIdeal… cạnh tranh với các sàn TMĐT đã hoạt động nhiều năm như như Lazada, Tiki, Sendo, Zalora…

Bên cạnh đó, số lượng người dùng ứng dụng di động gia tăng. Với sự phát triển toàn diện hạ tầng viễn thông 3G, 4G, sắp tới là 5G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone với hơn 64 triệu người sử dụng tại Việt Nam, cùng với dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển (fintech). Sự bùng nổ về Internet giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, nhiều nhà cung cấp và có nhiều lựa chọn khi mua hàng, đồng thời nhiều trang TMĐT mới cũng như nhiều nhà bán lẻ mới gia nhập vào thị trường TMĐT.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. 

Đánh giá về sự phát triển của TMĐT hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, TMĐT đang là điểm sáng của cuộc CMCN 4.0 với tốc độ phát triển cao từ 20-30% mỗi năm. Theo số liệu được đưa ra, chỉ trong năm 2018, giá trị thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017 và sẽ tăng lên 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD). Tuy nhiên, tiềm năng cho lĩnh vực này là rất lớn nhưng việc tận dụng vẫn chưa đúng mức.

Ông Đặng Hoàng Hải lý giải, phần lớn doanh nghiệp TMĐT trong nước vẫn đứng ngoài cuộc, theo thống kê của Bộ Công Thương có tới 82% các doanh nghiệp của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc với TMĐT, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên. Bên cạnh đó, cũng theo ông Hải, mặc dù TMĐT đang rất phát triển nhưng chỉ có 61% đơn vị có ứng dụng trên di động, đây là điều đáng tiếc khi việc mua bán qua ứng dụng ngày càng nhiều, nhất là khi có tới 72% dân số Việt Nam dùng smartphone.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng, thách thức lớn nhất của TMĐT ở Việt Nam là giao dịch tiền mặt nhận hàng (COD) vẫn còn cao, chiếm 88% tổng số giao dịch năm 2018, tăng 2% so với năm 2017. Điều này làm xói mòn lòng tin giữa người mua và người bán, người mua không tin tưởng chất lượng hàng hoá của người bán, đối với người bán hàng khi giao dịch COD thì khả năng từ chối nhận hàng cao. "Về lâu dài chúng ta phải giải quyết được bài toán này để tạo sức bật cho TMĐT ở Việt Nam", ông Hải khẳng định.

Do đó, trong kế hoạch xây dựng chương trình tổng thể TMĐT Việt Nam giai đoạn 2021-2025, ông Hải cho biết tập trung chính vào 3 nội dung bao gồm: TMĐT mới tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM, phát triển độ phủ TMĐT cần chú ý đến vùng sâu vùng xa, nhất là khi coi nó là yếu tố để xoá đói giảm nghèo cho người dân; cải thiện chất lượng TMĐT từ hàng hoá, dịch vụ cho đến công nghệ để tạo lòng tin cho người dùng; phát triển hàng Việt chất lượng cao.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho rằng, môi trường kinh doanh cho TMĐT tại Việt Nam dù đã thay đổi nhiều nhưng chưa đủ, cần phải cởi mở hơn nữa. Trong khi, theo ông Hải, hiện 50% vốn đầu tư TMĐT ở Đông Nam Á đang "đổ" sang Singapore do quốc gia này có môi trường thông thoáng, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài rất thuận tiện.

Ông Linh còn cho rằng, trong 3-4 năm gần đây rất nhiều doanh nghiệp trẻ (kinh doanh TMĐT) đã sản xuất được hàng hóa và bán trên các trang thương mại của mình nhưng quy trình để đăng ký thương hiệu quá lâu – mất tới 6 tháng để đăng ký thương hiệu Việt Nam. Nếu cơ quan quản lý rút ngắn được quy trình này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp về thương mại điện tử phát triển và cũng góp phần gỡ bỏ "rào cản" trong việc hạn chế lĩnh vực TMĐT phát triển.

Kinh doanh hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi - mối đe dọa cho nền kinh tế(VietQ.vn) - Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng tinh vi, trở thành mối nguy hại cho sự phát triển của nền kinh tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang