Ngậm ngùi chuyện thưởng Tết giáo viên vùng cao

author 06:01 27/01/2015

(VietQ.vn) - Câu chuyện thưởng Tết với vài trăm nghìn, gói mỳ chính, chai dầu ăn, thậm chí là không có thưởng năm nào của giáo viên vùng cao khiến cả người trong nghề và xã hội đều ngậm ngùi, xót xa.

Thông tin về nhiều trường ở TPHCM thưởng Tết giáo viên từ vài triệu đến vài chục triệu đồng khiến giáo viên vùng cao, miền núi ở Gia Lai - Kon Tum không khỏi chạnh lòng. Chia sẻ với báo Dân Trí, ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, “Ngành giáo dục không có nguồn kinh phí thì lấy đâu mà thưởng Tết giáo viên? Chúng tôi cũng đành không có chủ trương thưởng Tết, chỉ động viên các trường vận động linh hoạt, quản lý chi tiêu chặt chẽ để dùng phần tiết kiệm được hỗ trợ phần nào cho giáo viên.”

 Thưởng Tết giáo viên luôn là đề tài được cả xã hội quan tâm mỗi dịp cuối năm

Thưởng Tết giáo viên luôn là đề tài được cả xã hội quan tâm mỗi dịp cuối năm

Bàn về chuyện thưởng Tết cho giáo viên miền núi, thầy Tạ Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho hay: “Nói là thưởng Tết, thực ra đó là khoản trường trích một phần kinh phí tiết kiệm từ các khoản chi thường xuyên như công tác phí, tàu xe. Tết này, mỗi giáo viên được trường hỗ trợ khoảng 500.000 đồng bằng cách mua hạt dưa, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm… làm quà”.

Về phần mình, thầy Lê Văn Hoàn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông tâm sự, ở hầu hết các trường mùi núi, để các em khỏi bỏ học, các thầy cô phải vào bếp lo từng bữa ăn, mua kẹo dỗ học sinh đến lớp. Thưởng Tết dù ít hay nhiều cũng có ý nghĩa động viên các thầy cô “bám trường, bám bản”. Do các trường tự chủ về tài chính nên ở đâu khéo “thắt lưng buộc bụng”, giáo viên ở đó may ra có chút quà tết cho đỡ tủi.

Phát biểu về vấn dề này, ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai khẳng định: Việc thưởng Tết cho giáo viên là không có! Do các trường không thuộc diện đơn vị sự nghiệp có thu, hoặc doanh nghiệp tự chủ về tài chính.

Nhiều trường miền núi chỉ đủ khả năng thưởng Tết giáo viên gói bánh, chai dầu ăn,… hoặc thậm chí là không có gì

Nhiều trường miền núi chỉ đủ khả năng thưởng Tết giáo viên gói bánh, chai dầu ăn,… hoặc thậm chí là không có gì

Theo ông Thạch, không thể dựa vào mức thưởng Tết mà so sánh với các ngành nghề khác. Giáo viên có đặc thù riêng, ngoài tiền lương còn có các khoản tiền đứng lớp, tiền thâm niên, các ngày lễ, nên thu nhập cũng… tương đối! Toàn tỉnh có trên 25.000 giáo viên, chỉ cần thưởng Tết mỗi người 500.000 đồng thì ngân sách đã phải chi 12,5 tỷ đồng - nguồn này lấy đâu ra?

Trong khi đó, theo thông tin trên báo Vietnamnet, tỉnh Nghệ An vừa công bố mức thưởng Tết Ất Mùi cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành. Tin mừng nho nhỏ là trung bình thưởng Tết năm nay có cao hơn năm ngoái – 666 nghìn đồng, so với 389 nghìn đồng vào năm 2014

Được biết, dịp Tết Nguyên đán này, công đoàn Sở Giáo dục Nghệ An sẽ trao 261 suất quà cho một số giáo viên đau ốm hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh hiểm nghèo. Liên đoàn Lao động tỉnh và một số nhà hảo tâm cũng sẽ trao 72 suất quà cho giáo viên neo đơn, bệnh tật lâu ngày, 8 suất quà dành cho giáo viên đang có chồng, con làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Để có được số tiền vài trăm nghìn thưởng Tết giáo viên, các trường cũng phải “thắt lưng buộc bụng” trong cả năm. Trường phải trích kinh phí được cấp, hạn chế các hoạt động phong trào. Chia sẻ về chuyện này, chủ tịch công đoàn một trường THCS cho biết không khỏi chạnh lòng cho bản thân và đồng nghiệp, nhưng cũng rất thông cảm với nhà trường.

Nhiều thầy cô mong mỏi có thêm lương tháng 13 làm thưởng Tết giáo viên

Nhiều thầy cô mong mỏi có thêm lương tháng 13 làm thưởng Tết giáo viên

Đặc biệt, trong 120 đơn vị giáo dục có 2 đơn vị không có thưởng Tết là THPT Cù Chính Lan (Quỳnh Lưu) và THPT Tương Dương (Tương Dương) do thu không đủ chi, số lượng tuyển sinh giảm. Chủ tịch công đoàn trường THPT Tương Dương 1 cho biết, công đoàn sẽ cố gắng tặng mỗi giáo viên 1 gói mỳ chính (trị giá 40-50 nghìn đồng) để động viên tinh thần là chính. Trong khi đó, trường THPT Cù Chính Lan đã nợ lương giáo viên từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015 và nợ BHXH 71 triệu đồng từ tháng 8/2014 đến nay.

Một giáo viên chia sẻ, để chu toàn cái Tết, nhiều giáo viên trông chờ vào vợ, chồng làm ngành nghề khác, nhưng cũng không ít giáo viên cả hai vợ chồng làm cùng nghề thì thực sự chật vật. Được gia đình hai bên thông cảm đã đành, cũng có gia đình phải buốt ruột đi vay, tiêu vào lương trả trước mới tạm gọi là có Tết. Bao nhiêu khoản chi tiêu ngày Tết, mà khoản nào cũng không thể thiếu như mua sắm thực phẩm, trang trí nhà cưa, biếu ông bà hai bên, lì xì… đổ lên đầu giáo viên như bao gia đình khác. Thế nên, lương tháng 13 vẫn là mong mỏi của nhiều thầy cô.

Minh Thùy

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang