Thường xuyên uống nước vối nhất định phải biết điều này kẻo hối không kịp

authorNgọc Nga 06:38 20/08/2017

(VietQ.vn) - Đã từ lâu lá vối, nụ vối đã được dùng để làm trà uống giải khát, tuy nhiên, theo các bác sĩ nếu uống nước vối khi đói hoặc uống quá nhiều cũng không tốt cho cơ thể.

Thông thường, lá vối được sử dụng có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh gọi là vối kê hay vối nếp, còn loại lá to hơn bàn tay, hình thoi, màu xanh thẫm gọi là vối tẻ. Hoa mọc thành chùm đan cài vào nhau. Quả vối chín có màu đỏ thẫm giống quả bồ quân, ăn hơi chát và vị hơi đắng.

Các bộ phận như vỏ thân, lá, nụ của cây vối đều được làm thuốc chữa bệnh. Lá vối tươi hay khô sắc đặc đều có tính chất sát trùng, rất thích hợp để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ, ngứa. Tuy nhiên, nếu để uống thì nên dùng nụ hoặc lá khô, vì lá vối tươi rất ngái, có nhiều chất diệp lục, có tính kháng khuẩn mạnh nên phải ủ để phá hủy chất này.

Uống nước vối lúc đói có thể gây cảm giác mệt mỏi, sa sầm mặt mày. Ảnh minh họa.Uống nước vối lúc đói có thể gây cảm giác mệt mỏi, sa sầm mặt mày. Ảnh minh họa.

Theo các nhà khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia và Đại học phụ nữ Nhật Bản đã rút ra kết luận: Nụ vối có khả năng hạn chế tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ ổn định đường huyết, hỗ trợ giảm lipid máu, phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường khi điều trị lâu dài mà được sử dụng nước nụ vối uống thường xuyên.

Vì trong nụ vối có chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường.

Các kết quả được tiến hành trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh. Khả năng chống ô xy hóa (antioxydants) của nụ vối đã làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể, bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, phục hồi các men chống ô xy hóa trong cơ thể.

Ngoài ra, trong nước lá vối có chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Chính vì vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Khám phá công hiệu trị bệnh của lá vối (VietQ.vn) – Lá vối cùng với nụ, vỏ và rễ cây vối, không chỉ được dùng làm thanh nhiệt, mà còn có các tác dụng như hỗ trợ điều trị gout, tiểu đường, hay cải thiện hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên, nếu uống nước vối khi đói hoặc uống quá nhiều thì chính nước vối lại là nguyên nhân gây hại đến sức khỏe người dùng. Chia sẻ trên tờ Gia đình & Xã hội, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong y học cổ truyền, vối vị đắng, chát, tính mát. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, sát trùng, hạ khí, tiêu đờm.

Về hiện tượng mọi người uống nước vối khi đói bụng thường hay bị cồn cào là do nước vối có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng, ăn ngon miệng... vì tác dụng này nên uống khi đói sẽ làm nhu động ruột hoạt động nhiều, gây cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, sa sầm mặt mày, mất năng lượng. Bởi vậy, ngoài tác dụng của nước vối, người dùng cần lượng thể trạng, sức khỏe để uống sao cho có hiệu quả nhất.

Ngoài ra, mọi người cũng nên sử dụng lá và nụ vối khô thay vì thói quen dùng lá vối tươi như nhiều gia đình hiện nay. Việc dùng lá vối tươi có các tác nhân kháng viêm và kháng khuẩn rất mạnh có thể dẫn tới tình trạng hao huyết và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. 

Lương y Bùi Đắc Sáng khẳng định thêm, bất cứ loại thảo dược hay thuốc bổ nào thì việc lạm dụng cũng gây ra những hệ quả nhất định. Uống quá nhiều chè lá vối và nụ vối đôi khi còn gây rối loạn tiêu hóa.

Còn theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Hội các ngành sinh học Việt Nam, lá vối được coi là cứu tinh với những người bị bệnh gout. Tuy nhiên, mọi người có thể dùng lá hoặc nụ vối với liều lượng khoảng 1 ấm nước lá vối/1 ngày hoặc một ly nước lá vối/1 ngày là được. Không nên uống nhiều quá, sẽ không tốt cho hệ bài tiết. Tốt nhất không nên uống nước vối quá nhiều sau khi ăn có thể gây cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu pha loãng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngọc Nga (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang