Thủy ngân cực độc trong không khí ở Hà Nội: Thường xuất hiện ở đâu?

author 18:30 26/04/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, thủy ngân trong không khí ở Hà Nội thường tập trung ở các nơi không có cây xanh hoặc ở địa điểm gần khu sản xuất hóa học phơi nhiễm.

Thủy ngân trong không khí Hà Nội: Người dân nên làm gì để tránh hít độc?

Mới đây, Tổng cục Môi trường đã tiết lộ: Thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí - một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại. 

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, BS.Nguyễn Đức Thắng (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền) khẳng định: Thủy ngân trong không khí rất độc hại và nếu thường xuyên hít phải thủy ngân, người dân Việt sẽ “lãnh đủ”. 

Bác sỹ Thắng phân tích: Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, dẫn tới việc cơ thể con người dễ rơi vào tình trạng khó thở. “Thủy ngân trong không khí khi hít vào sẽ xâm nhập vào phổi, từ phổi đi qua máu rồi truyền qua các vùng tiêu hóa. Nếu bị hít thở nhiều hơn gây hiện tượng ngộ độc tiêu hóa hoặc gây hoại tử tế bào ruột từ ruột non cho tới ruột già” – bác sỹ Thắng cho biết.

Không chỉ ảnh hưởng tới đường hô hấp, tiêu hóa, mức độ nguy hiểm của không khí chứa thủy ngân còn ở chỗ: Nó gây ngộ độc thần kinh bởi khi thủy ngân tác động trực tiếp vào các lớp tế bào sẽ ảnh hưởng tới các hệ thống dây thần kinh. Đặc biệt, khi trẻ hít phải thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.

Thiết bị khẩu trang thông thường của người dân không ngăn được việc hít thủy ngân trong không khí. Ảnh: Internet.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Trẻ em hít phải thủy ngân có thể gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.Theo bác sỹ Thắng, mặc dù thủy ngân ở môi trường Hà Nội chưa được đo đạc một cách chính xác nhưng thủy ngân thường tập trung ở các địa điểm không có cây xanh hoặc ở một số nơi gần khu sản xuất hóa học phơi nhiễm.

Bác sỹ Thắng cho rằng: Sở dĩ Hà Nội có thủy ngân lơ lửng trong không khí có nguyên nhân chủ yếu do sự độc hại của các hóa chất như nhựa, đồ phế liệu ở các cơ sở sản xuất, những cơ sở này đẩy thủy ngân ra thị trường qua hệ thống mương máng.

Vị bác sỹ của Bệnh viện Y học cổ truyền khuyên nhủ: Để tránh ngộ độc do ô nhiễm môi trường hay nói cụ thể là tránh hít phải thủy ngân trong không khí, cách thứ nhất là người đi đường nên đeo khẩu trang đầy đủ. Trong đó, khẩu trang phải đạt tiêu chuẩn cao, tốt nhất là khẩu trang y tế hoặc khẩu trang có hoạt tính, chứ nếu chỉ đeo khẩu trang thông thường bán ngoài thị trường với mức giá rẻ từ 5 – 10 nghìn đồng thì không ngăn được thủy ngân mà chỉ ngăn được vi khuẩn trong khói bụi. 

Thứ hai là người Việt phải ăn uống đầy đủ hoặc có thể uống một số thuốc bổ sung để tăng khả năng đề kháng của cơ thể.

"Ở nước ngoài có một số thiết bị máy móc hỗ trợ giúp con người thải độc ra ngoài cơ thể, tuy nhiên, ở Việt Nam, việc sử dụng các máy móc này chưa thông dụng nên phương pháp này cũng không cần thiết" - Bác sỹ Thắng nói.

Chưa có căn cứ để xác định chỉ số thủy ngân trong không khí ở Hà Nội

Trước đó, chia sẻ với báo Khoa học phát triển, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động.

Số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) gần đây nhất tính theo tuần từ 8/4 đến ngày 14/4, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178. Theo thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), AQI mức độ tốt là dưới 50 và ký hiệu màu xanh. Chỉ số AQI ở mức 51-100 thuộc nhóm trung bình với cảnh báo vàng, khuyến cáo người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài. AQI từ 101 đến 151 (khu vực da cam) là kém.

Như vậy độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức da cam, khuyến cáo người nhạy cảm cần hạn chế ở ngoài. Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp.

Trước đó khoảng 6 tuần - vào đầu tháng 3, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388 - mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà (kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội).

Thủy ngân trong không khí cực độc gây bệnh phổi, tiêu hóa và thần kinh cho người hít phải. Ảnh: Internet.

Theo ông Tùng, mới đây thiết bị đo đạc quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong bầu không khí thủ đô, song chưa xác định được chỉ số cụ thể. Thủy ngân có trong không khí mới đo được ở một địa điểm tại Hà Nội nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này.

Nhấn mạnh với Chất lượng Việt Nam, ông Tùng cũng thẳng thắn: Thủy ngân xuất hiện ở Hà Nội cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới đã phát hiện ra. Tuy vậy, ông Tùng cho biết: Thời điểm này chưa thể nói thêm được điều gì!

Trên VNE, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, thủy ngân nguyên tố lỏng ít độc nhưng nếu ở dạng hơi hay hợp chất, muối thì rất độc và là nguyên nhân gây ra các tổn thương não, gan khi con người tiếp xúc, hít thở, ăn phải. Không khí ở nhiệt độ phòng có thể bão hòa hơi thủy ngân cao hơn nhiều lần so với mức cho phép. Nếu hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.

Phó giáo sư Côn cho rằng hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.

Ngoài ra, thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì hình thành các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là dimetyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong. 

>> Vụ cá chết hàng loạt bất thường ở miền Trung: Do độc lực cực mạnh

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang