‘Thủy triều đỏ’ và mối liên quan với cá chết bất thường

authorThảo Nguyên 21:52 27/04/2016

(VietQ.vn) - Trong cuộc họp báo vừa diễn ra tối nay (27/4) xung quanh câu chuyện cá chết ven biển miền Trung, Bộ TN-MT có đưa ra 1 nguyên nhân là do “thủy triều đỏ”.

Chưa biết thực hư câu chuyện này thế nào, tuy nhiên, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung đã từng có thông tin về hiện tượng này.

Theo các định nghĩa khoa học, "thủy triều đỏ" hay sự "nở hoa" của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo...

Hiện tượng "nở hoa" thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ Viện Hải dương học - Nha Trang, mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển nên có thể "nở hoa" bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển...

‘Thủy triều đỏ’ và mối liên quan với cá chết bất thườngBộ TN-MT cho rằng hiện tượng "thủy triều đỏ" đã khiến cá chết la liệt ven biển miền Trung. Ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại. Trong đó, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa thường xảy ra ở vùng biển Bình Thuận và kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng.

Nhiều năm trước, vào khoảng trung tuần tháng 7/2002, thảm họa "thủy triều đỏ" ở Bình Thuận đã tạo thành vùng thủy triều đỏ rộng khoảng hơn 40km2, làm khoảng 90% sinh vật trong vùng triều, kể cả cá, tôm trong các lồng, bè bị tiêu diệt; môi trường bị ô nhiễm nặng, mấy tháng sau mới hồi phục. "Thủy triều đỏ" cũng đã khiến 82 người phải nhập viện do tắm biển, với các triệu chứng ngứa, phồng rộp vùng da nhạy cảm; nguyên nhân là một loài tảo xanh lam "nở hoa", tiết độc tố vào nước biển.

Hiện tượng “nở hoa” không chỉ xảy ra ở biển mà sự "nở hoa" của tảo xanh lam (vi khuẩn lam) còn xảy ra ở nhiều hồ chứa nước ngọt, đe dọa sức khỏe những người sử dụng nguồn nước này.

Cũng có những loài tảo không "nở hoa" nhưng sản sinh độc tố. Cá và các loài hai mảnh vỏ ăn tảo sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể.

Theo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung, có thể hạn chế thiệt hại do "thủy triều đỏ" gây ra, với điều kiện phải đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cơ bản. Đối tượng nghiên cứu ở đây không chỉ là tảo gây hại, mà phải điều tra cả những yếu tố tác động đến môi trường biển như tính chất vật lý, hóa học, nhiệt độ, dòng chảy, nguồn nước thải ra biển, đặc điểm kinh tế - xã hội... Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục trong ngư dân là khi phát hiện dấu hiệu "thủy triều đỏ" cần báo ngay cho cơ quan chức năng, để từ đó có những giải pháp cần thiết, như di chuyển lồng nuôi tôm, cá đến nơi khác, thay nước trong hồ nuôi... 

>> Không thể tin nổi những hiện tượng đẹp thế này lại có thể làm cá chết hàng loạt trên biển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang