Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời giúp hạn chế số ca tử vong do COVID-19?

authorNgọc Nga 06:13 17/04/2021

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh (Scotland), tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể giúp hạn chế số ca tử vong do COVID-19.

Trong nghiên cứu thứ nhất, các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Scotland) quan sát thấy tăng cường tiếp xúc đặc biệt với tia cực tím A (chiếm 95% tia cực tím chúng ta nhận được từ mặt trời) giúp hạn chế số ca tử vong do COVID-19. Nghiên cứu với đầu đề "Bức xạ cực tím A và ca tử vong do COVID‐19 ở Mỹ cùng với các nghiên cứu lặp lại ở Anh và Ý" đã được đăng trên tạp chí British Journal of Dermatology (BJD) ngày 8/4.

Các nhà nghiên cứu Scotland đã so sánh số liệu tử vong do COVID-19 với mức độ tia cực tím A tại gần 2.500 quận ở Mỹ trong thời gian từ tháng 1 đến 4/2020 và đưa ra kết luận nêu trên.

Nghiên cứu mới cho thấy tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể giúp hạn chế số ca tử vong do COVID-19 

Quá trình nghiên cứu lặp lại tại Anh và Ý cũng đã xác nhận quan sát trên. Dù vậy, nhóm nghiên cứu đánh giá do đây là nghiên cứu quan sát nên không thể kết luận có mối liên hệ nhân quả giữa tử vong do COVID-19 với mức độ hấp thụ tia cực tím A.

Số ca tử vong giảm cũng không phải do tác dụng từ vitamin D trong ánh nắng vì nhóm nghiên cứu tập trung khảo sát các khu vực không đủ lượng tia cực tím B để sản xuất vitamin D đáng kể.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết khác. Có thể tăng cường tiếp xúc với ánh nắng khiến hợp chất nitric oxide (NO) được giải phóng qua da.

Các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra hiện tượng này có thể khiến virus SARS-CoV-2 giảm khả năng nhân ra. Kết quả nghiên cứu nêu trên trùng khớp với một số nghiên cứu trước đây khẳng định tăng cường tiếp xúc với ánh nắng giúp sức khỏe tim mạch tốt hơn, huyết áp thấp hơn trong khi bệnh tim chính là một trong những yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.

Ngoài ra, nghiên cứu của các nhà khoa học Scotland còn liên quan đến nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) công bố trên tạp chí The Journal of Infectious Diseases trước đó. Nghiên cứu với đầu đề "Chỉ bức xạ cực tím B không thể giải thích virus SARS-CoV-2 bất hoạt do ánh nắng".

Cảnh báo vắc-xin Covid-19 giả giá rẻ bán tràn lan trên các web đen (VietQ.vn) - Được biết trên các trang "chợ trực tuyến" tại Mỹ đang giao bán hộ chiếu Covid-19 giả cũng như những sản phẩm được gọi vắc-xin Covid-19 với mức giá rẻ, chỉ 1000 USD/liều.

Các nhà khoa học Mỹ ghi nhận tiếp xúc với ánh nắng có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 nhanh 8 lần hơn dự đoán của mô hình. Nguyên nhân có thể do tia cực tím A tác động theo cách nào đó chưa được các nhà khoa học xác định. 

Nghiên cứu của Mỹ mở ra hướng mới dùng tia cực tím khử khuẩn virus corona trong bệnh viện hoặc trên xe buýt, tàu điện ngầm. Nhóm nghiên cứu của Đại học California tại Santa Barbara và Đại học quốc gia Oregon (Mỹ) hợp tác với các đồng nghiệp ở Đại học Manchester (Anh) và Đại học Bách khoa liên bang ở Zurich (Thụy Sĩ) nhận thấy virus corona có đặc điểm nhạy cảm với tia cực tím (UV), vì vậy tập trung nghiên cứu chủ đề này.

Họ so sánh hai kết quả nghiên cứu về khử khuẩn đối với virus bám trên bề mặt bằng tia UV-B, gồm một nghiên cứu trên mô hình lý thuyết được công bố vào tháng 6/2020 và một nghiên cứu thực nghiệm được công bố một tháng sau đó.

Nghiên cứu lý thuyết khẳng định virus bị vô hiệu hóa nếu dùng tia UV-B tác động lên ARN của chúng. Song nhóm nghiên cứu quan sát thấy không chỉ có vậy.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các virus trong một chất tương tự nước bọt khi tiếp xúc với đèn phát tia UV-B từ 10 - 20 phút đã bị vô hiệu hóa nhanh gấp tám lần so với nghiên cứu lý thuyết.

Vì sao như vậy? GS Paolo Luzzatto-Fegiz ở Đại học California tại Santa Barbara - một trong những tác giả nghiên cứu chính giải thích, ngoài vấn đề virus bị bất hoạt do tia UV-B còn có cơ chế khác, ví dụ có thể do tia UV-A tương tác tích cực hơn giới khoa học biết đến.

Ông nhận xét: "Mọi người nghĩ tia UV-A không có nhiều ảnh hưởng, nhưng có thể nó đã tương tác với một số phân tử trong môi trường". Sau đó, các phân tử trung gian này phản ứng với virus để thúc đẩy quá trình bất hoạt. Cách thức hoạt động này rất quen thuộc với các chuyên gia xử lý nước thải bằng tia UV-A và một số lĩnh vực khoa học môi trường khác.

Trong bức thư đăng trên tạp chí khoa học Journal of Infectious Diseases của Đại học Oxford, nhóm nghiên cứu đề nghị cần tiếp tục các thí nghiệm bổ sung để kiểm tra tác động của bước sóng khác nhau. Kết quả nghiên cứu nêu trên có thể mở ra hướng mới xử lý virus bằng bức xạ UV-A và UV-B vốn có sẵn và dễ sản xuất, ví dụ có thể sử dụng đèn phát tia cực tím trong hệ thống lọc không khí ở bệnh viện hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng.

Trước đó các nhà nghiên cứu Hàn Quốc từng xem xét sử dụng tia cực tím để loại bỏ virus. Họ ước tính sử dụng đèn LED phát tia UV-C có thể loại bỏ 99,9% virus SARS-CoV-2 trên bề mặt bị nhiễm trong vòng 30 giây.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang