Sản phẩm từ gấc tiềm năng phát triển nhưng đối mặt với nỗi lo làm nhái

authorĐăng Duy 16:08 23/11/2018

(VietQ.vn) - Hiện nay vô số sản phẩm từ gấc trên thị trường bị làm giả, làm nhái gây hoang mang cho người tiêu dùng, bên cạnh đó ảnh hưởng xấu tới uy tín thương hiệu và giá trị kinh tế của các nhà sản xuất.

Sự kiện: Cảnh báo

Theo các chuyên gia, gấc là trái cây phổ biến và bình dân ở Việt Nam, nhưng được thế giới gọi là “quả thiên đường” (fruit from heaven). Sở dĩ được mệnh danh như vậy là vì trong trái gấc chứa Beta Caroten cao gấp 15 lần cà rốt và gấp tới 68 lần cà chua… Trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa nhiều chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú, chống ôxy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch… Mặt khác, trái gấc rất có tiềm năng phát triển thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm và thuốc.

Theo ghi nhận sơ bộ của Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sản lượng gấc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt bình quân 500 – 1.000 tấn/năm, vào Ấn Độ khoảng 11 ngàn tấn/năm, vào Nhật 4,2 triệu tấn/năm, vào Thái Lan khoảng 1 triệu tấn/năm, vào châu Âu khoảng trên 2 triệu tấn/năm… Hiện lượng gấc xuất khẩu của nước ta liên tục tăng và chưa có đối thủ.

Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm từ quả gấc có cơ hội phát triển với tinh chế từ trái gấc cho cả thị trường trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên cũng đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, vấn đề nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình trước sóng gió của thị trường, trong đó có vấn nạn hàng giả, hàng nhái. 

Tiềm năng phát triển 'Quả thiên đường' và nỗi lo làm giả nhãn mác

Các chuyên gia tại tọa đàm "Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa"

Chia sẻ thực tế ở doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Công Suất, Giám đôc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) cho biết: "Chúng tôi sản xuất dầu gấc VINAGA. Sau khi ra đời 3 - 4 năm thì có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì… Theo chúng tôi ghi nhận được, hiện nay đã có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc “nhái” tương tự sản phẩm của chúng tôi, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng". 

Ông cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi đã và đang nỗ lực, nhưng cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự đồng hành của người tiêu dùng. Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, không chỉ vì sự sống còn của thương hiệu mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng người tiêu dùng, những người đã tin tưởng và tiêu dùng sản phẩm của chúng tôi".

Những năm gần đây, tình trạng làm giả, nhái nhãn mác ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thực tế các doanh nghiệp ở nước ta chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Số doanh nghiệp thực hiện đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam chưa nhiều, dù hiện nay thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước đã rất cởi mở, lệ phí thấp... Điều này dẫn đến một thực tế, chỉ đến khi doanh nghiệp bị xâm phạm nhãn hiệu, họ mới nhận thức được giá trị của nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, một giải pháp nữa được xem là hiệu quả và đóng góp quan trọng trong công tác đấu tranh và đẩy lùi vấn nạn này chính là nhận thức, thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thể hiện trách nhiệm từ quyết định lựa chọn tiêu dùng dựa trên sự nhận thức và hiểu biết đầy đủ đến thái độ và hành vi của mình sẽ góp phần hạn chế cơ hội sống của các sản phẩm nhái nhãn mác, hàng giả kém chất lượng.  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang