Tiêm vitamin C để làm đẹp, coi chừng ... chết

author 13:49 09/04/2013

(VietQ.vn) - Không phủ nhận tác dụng tốt của vitamin C nói chung và C sủi nói riêng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không ít người đã lạm dụng vitamin C và nguy cơ là ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Lưu ý về vitamin C dạng sủi

Một dạng viên nén cỡ lớn đang được dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt, còn gọi tắt là viên C sủi bởi khi được thả vào nước sẽ sủi bọt mạnh, khí thoát ra làm cho viên tan vỡ, tan trong nước hoàn toàn tạo thành dung dịch dễ uống.

Viên sủi bọt C thông dụng hiện nay chứa 1 gr (tức 1.000 mg) vitamin C, cao hơn 16 lần nhu cầu khuyến cáo hằng ngày. Chỉ một số trường hợp thiếu vitamin đến độ bệnh lý mới cần dùng vitamin liều cao (gọi là liều điều trị). Vitamin C cũng thế. Việc dùng vitamin C liều cao để trị cảm cúm hiện vẫn còn gây tranh cãi, trong khi dùng quá 1 gr mỗi ngày rất dễ bị các tác dụng phụ như đã nói.

Dùng Vitamin C đúng cách mới đem lại tác dụng tốt cho sức khỏe

Theo PGS. Nguyễn Hữu Đức, những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt nói chung, trong đó có viên C sủi. Bởi có một số người phải kiêng muối, tức không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn.

Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua, trong các loại nước quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi… Chức năng chủ yếu của vitamin C là giúp sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể (vì vậy có ảnh hưởng đến làn da), tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hormone, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là chất chống oxy hoá rất quan trọng (bên cạnh vitamin E, beta-caroten và chất khoáng selen).

Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri (muối ăn là natri clorid), trong khi bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri (nhằm phản ứng với axít citric có trong viên thuốc để gặp nước sẽ sủi bọt). Nếu người bị tăng huyết áp đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt.

Trên thực tế, không giống các loài động vật khác, cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin C. Sự thiếu hụt chất này đưa đến bệnh scorbut với triệu chứng kinh điển: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, có các vết thâm tím rộng trên da, dễ bị nhiễm trùng.

Theo phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, hiện nay, vitamin C được bày bán dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng. Nhiều người thấy vitamin C được bán như thực phẩm chức năng cứ nghĩ đây là loại dùng tuỳ tiện mà không có hại. Cần lưu ý, không được lạm dụng vitamin này vì nhu cầu khuyến cáo cung cấp vitamin C hằng ngày cho cơ thể chỉ là 60 mg (viên vitamin C 1 gr là quá nhiều). Dùng vitamin C liều cao (quá 1 gr mỗi ngày) có nguy cơ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận oxalat, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, giảm độ bền hồng cầu.

Không nên tiêm vitamin C cho đẹp da

Muốn có làn da tươi tắn mịn màng, vóc dáng khoẻ khoắn chắc chắn phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất, bên cạnh chế độ nghỉ ngơi và vận động thích hợp. Riêng vitamin với vai trò xúc tác các hệ thống enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hoá các dưỡng chất khác, đặc biệt chống oxy hoá ngăn ngừa lão hoá, được xem có vai trò sinh học chủ yếu giúp làn da tươi tắn mịn màng.

Tuy nhiên, không ít người không xem nguồn thực phẩm, đặc biệt các loại rau quả trái cây, là nguồn thiên nhiên dồi dào và an toàn giúp bổ sung vitamin mà chỉ chuộng dùng thuốc. Có người, kể cả một số nhà điều trị, không dùng vitamin dạng thuốc uống mà lại dùng dạng tiêm chích. Như có nhiều người tự ý dùng Laroscorbine (vitamin C dạng tiêm) hoặc dùng các chế phẩm tiêm chích chứa vitamin C kết hợp với các chất khác như glutathione, axít alpha lipoic (ALA), collagen (như chế phẩm có tên Biome G Alpha, Aqua skin EGF-Whitening…) với lý do duy nhất là làm trắng da, đẹp da.

Phó giáo sư Đức cho biết hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng sự kết hợp dùng tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp các chế phẩm vừa kể có hay không tác dụng trắng da, đẹp da. Nếu phân tích kỹ việc dùng vitamin hay dùng các chế phẩm kết hợp tiêm tĩnh mạch, ta thấy chỉ chuốc lấy sự nguy hiểm hơn là đạt một lợi ích nào đó về mặt sức khoẻ.

Nên lưu ý, nếu tiêm chích không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng rất nguy hiểm, như bị ápxe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C… Đặc biệt, dùng thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân (sốc phản vệ) ngay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Các loại vitamin C, ALA, glutathione, collagen khi tiêm, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch đều có nguy cơ gây sốc phản vệ dẫn đến chết người.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dùng C sủi với liều lượng cao mặc dù không để lại hậu quả gì nghiêm trọng nhưng có thể gây sỏi thận, buồn nôn. Các chất đều tan trong nước vì thế khi thừa sẽ được đào thải qua đường nước tiểu. Nhưng không phải uống thật nhiều là cung cấp đủ vitamin C.

Một ngày đối với trẻ em chỉ cần uống ½ viên C sủi loại 6-8 g/viên, còn đối với người lớn thì dùng một ngày 1 viên là đủ. Không nên uống quá nhiều.
 

Không nhất thiết phải dùng C sủi

Vitamin C là loại vitamin dễ hòa tan trong nước, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp vết thương mau lành, ngăn ngừa nhiễm trùng, hỗ trợ tái tạo tế bào hồng cầu. Có rất nhiều cách để bổ sung vitamin C cho mình. Không phải uống thuốc C hay dùng viên sủi mới đủ Vitamin C. Hàng ngày trong mỗi bữa ăn hãy tự bổ sung vitamin C cho mình bằng cách ăn trái cây, rau tươi.

Vitamin C có rất nhiều trong các loại rau quả, trái cây

Khi nấu ăn, vitamin của thức ăn sẽ bị hao hụt một phần vì thế không nên nấu ở nhiệt độ quá cao. Nên ăn rau quả còn tươi khi đó lượng vitamin C rất nhiều.

Đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai nên ăn dùng nhiều nước cam, nước chanh tươi thay vì dùng viên sủi và thuốc C. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai cần dùng vitamin C theo liều lượng cho phép hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không nên dùng quá liều dễ có dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Bà Lâm nhấn mạnh.

Do  vitamin C không tích luỹ nên không gặp trường hợp thừa vitamin C đối với cả trẻ em, người có thai và người già. Theo TS Lâm, đối với người bình thường, một ngày chỉ sử dụng từ 50 đến 80 mg vitamin C là đủ. Đối với trường hợp nhiễm khuẩn thì có thể dao động thêm lượng dùng.

Đối với trẻ mới dưới 6 tháng tuổi việc cung cấp vitamin để tăng cường hệ miễn dịch tốt nhất vẫn là bú sữa mẹ. Dưới 4 tháng tuổi chưa cần bổ sung vitamin bên ngoài.

Khi đang uống các loại thuốc kháng sinh, nhất là các kháng sinh nhóm beta lactam như penicilin, ampicilin, amoxycilin, augmentin, unasyn, cloxacylin, oxacilin... cần chú ý không được dùng nước hoa quả hay các đồ uống có vị chua bởi vì các kháng sinh này không bền ở môi trường acid. Trong khi đó vitamin C sủi chính là dung dịch acid ascorbic. Nhiều người thường có thói quen uống thuốc xong lại uống viên C sủi hoặc dùng ngay dung dịch viên C sủi để uống các loại thuốc kháng sinh khác.

Đây là cách uống thuốc không đúng dẫn đến tương tác thuốc giữa kháng sinh và vitamin C vốn có bản chất là một acid nên tác dụng của thuốc kháng sinh sẽ bị ảnh hưởng trong môi trường acid của vitamin C. Vì vậy khi đang dùng kháng sinh, tốt nhất bạn không nên uống cùng lúc với các thuốc có vitamin C. Cũng không nên dùng các loại nước hoa quả chua, các loại nước ngọt có gas và có độ pH thấp (< 7) ngay sau khi vừa uống thuốc kháng sinh.

Cần nhớ rằng nhiều loại thuốc kháng sinh nhóm beta lactam có tên biệt dược khác như amoksiklav, clamoxyl, hiconcil, ospen, dodacin...cũng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc không uống cùng với các chất có pH acid.

Tuy nhiên, vitamin C là một sinh tố cần thiết cho sức khỏe và có tác dụng tốt bảo vệ thành mạch. Hơn nữa, vitamin C không chỉ là thuốc và không phải chỉ có trong những trái cây chua  như chanh, cam... mà nó còn có nhiều trong những trái cây ngọt như đu đủ, dưa hấu… cũng như trong nhiều loại rau cải như bông cải trắng, bông cải xanh, ớt chuông, rau dền, măng tây, giá, hành tây...

Trong giai đoạn giao mùa khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp, các bậc cha mẹ nên duy trì bổ sung vitamin C đều đặn hàng ngày kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho trẻ trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn và virut gây ra, tránh tình trạng bệnh tái nhiễm nhiều lần, giúp trẻ luôn mạnh khỏe.

Nguyễn Nam (s/t)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang