Tiền chi nhập khẩu thuốc chữa bệnh của Việt Nam hơn tiền nhập xe ô tô nguyên chiếc

authorĐỗ Thu Thoan 07:22 18/07/2017

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, số chi nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc phòng và điều trị bệnh đã tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2016, nhiều hơn tiền nhập xe ô tô nguyên chiếc.

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, thuốc và mặt hàng nguyên liệu bào chế thuốc tân dược là một trong những mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam trong 6 tháng qua, cụ thể Việt Nam đã chi hơn 1,56 tỷ USD (35.500 tỷ đồng) để nhập thuốc và nguyên liệu thuốc, kim ngạch tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, theo báo Dân Trí.

Thuốc và nguyên liệu thuốc hiện có kim ngạch vượt cả kim ngạch nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc về Việt Nam trong 6 tháng qua (1,2 tỷ USD). Đây là 1 trong 8 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất nước trong 6 tháng qua, khiến Việt Nam nhập siêu hơn 2,7 tỷ USD.

tien-chi-nhap-khau-thuoc-chua-benh-cua-viet-nam-hon-tien-nhap-xe-o-to-nguyen-chiec

Trung bình, mỗi ngày Việt Nam chi gần 200 tỷ đồng nhập khẩu thuốc các loại, tăng hơn 23 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng năm 2016. Ảnh minh họa

Trong các thị trường thuốc và nguyên liệu thuốc nhập khẩu, Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ và Trung Quốc, Dân Trí thông tin.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam đang dừng lại ở gần mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Thông tin báo Kinh Tế và Đô Thị đăng tải, theo Bộ Y tế, hiện nay, mặc dù thuốc sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 50% thị trường, nhưng nguyên liệu đa phần vẫn phải nhập khẩu, công nghiệp dược Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là công nghiệp bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp.

Thực chất là công nghệ sản xuất dược phẩm chỉ ở trình độ trung bình, chủ yếu sản xuất các dạng bào chế, ít có các dạng bào chế công nghệ cao. Ngay cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trình độ và kỹ năng nghiên cứu phát triển (R&D) cũng còn yếu.

Cũng theo báo Dân Trí, Bộ Công Thương cho biết, tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay tăng từ 6 USD/người/năm 2001 lên 37,97 USD/người/năm 2015. Con số này được đánh giá vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và rất thấp so với thế giới.

Hiện nay, Chính phủ dành ưu tiên đầu tư tới 1,5 tỷ USD cho ngành dược trong 10 năm tới nhằm phát triển thị trường cây dược liệu, nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào thuốc nhập khẩu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai thập kỷ (2015 - 2025), dân số trong tuổi lao động ở Việt Nam sẽ đạt mức xấp xỉ 65% trong tổng dân số. Ngược lại, tỷ lệ dân số cao tuổi sẽ bắt đầu tăng từ năm 2015 và đạt mức 26,1% tổng dân số năm 2050.

Lợi thế lao động trẻ nếu được đào tạo thành lao động có kỹ năng thì Việt Nam sẽ trở thành đối tác sản xuất tốt của các nước phát triển. Song, tỷ lệ dân số già cao tăng nhanh khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sử dụng thuốc ngày càng gia tăng. Vì vậy, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu thuốc lớn. Bên cạnh đó, thúc đẩy, liên kết chuỗi của các hãng dược phẩm trong nước và nước ngoài để tận dụng công nghệ, giảm phụ thuộc thuốc nhập khẩu.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang