Tiền Giang với chiến lược nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của trái cây đặc sản

author 02:46 29/06/2014

(VietQ.vn) - Trong những năm qua, nhà vườn Tiền Giang luôn đi đầu trong việc cải tiến, nâng cấp vườn cây ăn trái, mà đáng kể nhất là đã tiếp cận được quy trình sản xuất tốt toàn cầu Global GAP, mạnh mẽ khẳng định thương hiệu trái cây Tiền Giang nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Với nhiều loại cây đặc sản như: xoài cát Hoà Lộc, bưởi lông Cổ Cò, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, sầu riêng Ngũ Hiệp…; diện tích trồng trái cây trên 68.000ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn quả/năm, tỉnh Tiền Giang từ lâu được xem là "Vương quốc trái cây" của khu vực ĐBSCL và cả nước. 

Thanh Long là trái cây chủ lực của Tiền Giang

Thanh Long là trái cây chủ lực của Tiền Giang

Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN & PTNT tỉnh Tiền Giang), xác định được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, trong những năm qua Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng cây ăn trái sản xuất và vận hành theo tiêu chuẩn GAP như vú sữa Lò Rèn sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P; khóm Tân Lập sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đặc biệt trong tháng 7 và tháng 9/2011, hai sản phẩm chôm chôm và nhãn của tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Cây ăn trái Tiền Giang hiện có trên 20 chủng loại, trong đó có 7 loại được xác định là cây chủ lực và được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Cụ thể xoài cát Hòa Lộc 2.300ha, tập trung tại huyện Châu Thành và Cai Lậy; bưởi lông Cổ Cò, diện tích 1.725ha, trồng nhiều ở huyện Cái Bè và Châu Thành; sầu riêng Ngũ Hiệp diện tích 5.500ha tập trung tại huyện Cai Lậy; thanh long Chợ Gạo diện tích 2.100ha và sơ ri Gò Công, diện tích 700ha được trồng tập trung tại huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công…Ngoài 7 loại cây chủ lực nêu trên, tỉnh còn có các loại cây ăn trái khác như cam, quýt, nhãn, chôm chôm….Đây cũng là những loại trái cây cho hiệu quả kinh tế trong những mô hình có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập đến 300 triệu đồng/ha.

Tiền Giang hiện có 15 hợp tác xã và 19 tổ hợp tác trái cây, hoạt động chủ yếu dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước, hợp tác trong chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và những kinh nghiệm trong sản xuất như chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…, chưa thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua trái cây Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ dưới dạng trái cây tươi ở thị trường nội địa (Tp.HCM, các tỉnh phía Bắc) và xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thị trường chính ngạch chủ yếu xuất trái cây đóng hộp sang các nước EU (30%), thị trường châu Á, Australia (30%). Sơ ri, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu …đã xuất sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Đức, Nga…Tuy số lượng chưa nhiều nhưng bước đầu quảng bá thương hiệu trái cây Tiền Giang ra thị trường thế giới. Trong đó xoài cát Hòa Lộc, sơ ri Gò Công rất được thị trường Nhật Bản ưa chuộng và xuất với số lượng ngày càng tăng (xoài cát Hòa Lộc 180 tấn, sơ ri Gò Công 1.500 – 2.000 tấn). Sản lượng cây ăn trái đóng hộp cũng tăng (nếu như năm 2006 chỉ đạt 4.573 tấn thì đến năm 2010 con số này tăng lên 9.289 tấn); kim ngạch xuất khẩu cũng có sự gia tăng tương ứng (năm 2006 là 3,8 triệu USD, đến năm 2010 tăng lên 8,9 triệu USD).

Nhằm quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia nhiều hội chợ, triễn lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước…Đặc biệt trong năm 2010, Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Tiền Giang đã tác động tích cực đến quá trình sản xuất cây ăn trái trên địa bàn.

Tiền Giang luôn chú trọng việc nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của trái cây đặc sản

Tiền Giang luôn chú trọng việc nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của trái cây đặc sản

Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân

Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Tiền Giang cho biết định hướng của tỉnh là trái cây phải được sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất lớn; chất lượng phải được cải thiện, nâng cao; giá thành phải giảm; từng bước gắn với du lịch sinh thái. Có như thế mới đảm bảo sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng. Đầu tư phát triển cây ăn trái của tỉnh phải theo hướng xác định lợi thế, cây chủ lực gắn kết sản xuất – thu mua – bảo quản – chế biến – tiêu thụ; hình thành chuỗi giá trị, trong đó coi trọng liên kết giữa doanh nghiệp và đại diện tổ chức nông dân là hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, những địa phương thuộc vùng trọng điểm cây ăn trái của tỉnh, phải xác định 1-3 cây chủ lực để đầu tư phát triển thành vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo GAP, gắn kết với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Hóa, để cây ăn trái Tiền Giang phát triển đúng hướng và bền vững, tỉnh cũng đã và đang tổ chức thực hiện tốt nhóm giải pháp về quy hoạch. Cụ thể là lập quy hoạch vùng cây ăn trái của tỉnh đến năm 2020, trên cơ sở xác định vùng thích nghi, quy hoạch vùng kiểm soát lũ và các dự án thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.., hình thành 3 vùng chuyên canh tập trung nhằm tăng nhanh số lượng và chất lượng sản phẩm trái cây.

Về nhóm giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tập kết, kinh doanh, sơ chế, đóng gói và vận chuyển trái cây. Ngoài ra tỉnh cũng tiến hành nhóm giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó chú trọng công tác quản lý giống, đảm bảo đúng giống, giống chất lượng tốt khi đưa vào sản xuất, nhất là vườn giống mới. Đồng thời tư vấn nhà vườn cải tạo vườn tạp thay bằng vườn cây ăn trái giá trị kinh tế cao; chú ý biện pháp giảm giá thành, nhân rộng mô hình hướng tới mục tiêu đa số sản phẩm trái cây của tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và được chứng nhận VietGAP.

Ngoài ra nhằm nâng cao sức cạnh tranh của trái cây đặc sản, tạo nguồn nông sản chất lượng cao tiêu dùng và xuất khẩu, tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai 4 dự án trọng điểm thuộc Chương trình Phát triển kinh tế vườn giai đoạn 2011-2015 với tổng vốn đầu tư trên 113 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh nhằm mở rộng diện tích vùng chuyên canh, tổ chức sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, khẳng định thương hiệu các loại trái cây đặc sản Tiền Giang trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu đưa diện tích vùng trồng cây ăn quả đặc sản từ trên 67.600ha hiện nay lên 79.800ha vào năm 2015, cho sản lượng trên 1,18 triệu tấn quả các loại. Trong đó, diện tích vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim tăng từ 4.300ha năm nay lên 7.100ha vào năm 2015, thanh long từ 3.350ha lên 4.600ha, sầu riêng từ 5.380ha lên 5.820ha...Có 80% nhà vườn được cập nhật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và có 50% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Để đạt mục tiêu, tỉnh cũng gắn kết các dự án với quy hoạch vùng và tiểu vùng, kiện toàn mạng lưới giao thông tạo thuận lợi trong giao thương, khuyến khích đầu tư bảo quản chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao, từng bước nâng giá trị sản phẩm trái cây, giúp nông dân ổn định cuộc sống, nông nghiệp-nông thôn phát triển bền vững.

Ngọc Quyên


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang