Tiền nhập nguyên liệu cao hơn xuất khẩu gạo

author 12:05 05/05/2014

Hằng năm, Việt Nam phải chi hàng tỷ đô la để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc này sẽ dẫn đến nhiều bất ổn, nếu Việt Nam không có chiến lược rõ ràng với ngành thức ăn chăn nuôi.

xkg

Là nước nông nghiệp, nhưng hằng năm Việt Nam tốn trên 4 tỷ USD để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Con số này có xu hướng ngày càng tăng, và cao hơn nhiều so với số tiền thu về từ xuất khẩu gạo.

Nhập khẩu ròng

 Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong nửa đầu tháng 4, riêng lượng ngô nhập gần 220 nghìn tấn, kim ngạch trên 55 triệu USD. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 4, tổng lượng ngô Việt Nam nhập về vượt 1,8 triệu tấn, tương đương số ngoại tệ 470 triệu USD phải bỏ ra. Con số này, so cùng kỳ năm ngoái, gấp 3 lần về lượng và gấp 2,34 lần về giá trị.

Cùng với ngô, một nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi (TACN) khác là đậu tương, cũng nhập tăng mạnh. Từ đầu năm đến 15/4, các doanh nghiệp phải chi 300 triệu USD nhập gần 520 nghìn tấn đậu tương. Cùng kỳ năm ngoái, nước ta chỉ nhập gần 280 nghìn tấn, với kim ngạch gần 170 triệu USD.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) TACN lớn ở khu vực phía Nam cho biết, việc nhập ngô, đậu tăng vọt ngoài việc thế giới được mùa, giá rẻ, còn do chăn nuôi trong nước có xu hướng tăng trở lại. Theo vị này, vừa rồi, giá gà, lợn trong nước rẻ, nên việc nhập khẩu thịt giảm mạnh. Cùng đó, nhu cầu chăn nuôi nội địa tăng lên nên kéo theo nhu cầu về TACN tăng.

Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, trong hơn 9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu mỗi năm, có khoảng 4 triệu tấn thức ăn giàu đạm (đậu tương, bột cá, bột thịt, xương...) và trên 3 triệu tấn là thức ăn giàu năng lượng (như lúa mì, ngô, cám). Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu các loại thức ăn bổ sung.

Theo Hiệp hội TACN, nguyên liệu chế biến TACN công nghiệp đang thiếu nghiêm trọng. Trong đó, loại thức ăn giàu năng lượng thiếu 30-40%, thức ăn giàu đạm thiếu 70-80% và gần như nhập khẩu 100% các loại khoáng, vi lượng, phụ gia.

“Tiền xuất khẩu gạo so với 4,5 tỷ USD nhập nguyên liệu TACN là một con số đáng lưu tâm, nhất là một nước nông nghiệp như Việt Nam”, lãnh đạo một DN thức ăn chăn nuôi so sánh.

Lý giải việc nhập khẩu ròng TACN, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN cho biết, các loại thức ăn giàu đạm như khô dầu đậu tương, nước ta không có thế mạnh nên phải nhập. Dù nước ta có bờ biển dài, nhưng không tổ chức sản xuất được bột cá. “Mỗi năm, chúng ta phải nhập gần 90.000 tấn bột cá Peru. Với giá 1.800 USD/tấn (loại độ đạm là 65%), như vậy đã tiêu tốn trên 160 triệu USD”, ông Lịch nói.

“Các DN nước ngoài gần như dẫn dắt giá thức ăn chăn nuôi, họ có thể nâng hoặc dìm giá để các anh chết. Như vậy rất khó quản lý. Tiếng nói của Hiệp hội với Nhà nước rất èo uột, nhất là bộ chủ quản không tiếp xúc với các hiệp hội”.Một lãnh đạo Hiệp hội TACNTheo ông Lịch, mới đây có một DN khánh thành nhà máy bột cá ở Ninh Bình. Một vài DN khác cũng làm loại bột cá này ở Thanh Hóa, Đà Nẵng. Nhưng các DN trên mỗi năm chỉ sản xuất được vài nghìn tấn, trong khi nhu cầu đến cả trăm nghìn tấn, nên chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu.

Thậm chí, các loại khoáng (từ bột đá), Việt Nam cũng phải nhập khẩu. Còn phụ gia thức ăn chăn nuôi vì chưa có công nghệ, nên chưa làm được.“Hiện chúng ta không có chiến lược về TACN nên buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, DN nhập khẩu chủ yếu là DN tư nhân, không phải DN quốc doanh nên Bộ NN&PTNT rất nhẹ gánh, không phải quan tâm. Cùng đó, vẫn còn nhiều tiêu cực phí, từ hải quan, kiểm dịch, mãi lộ đường sông, đường bộ...

Các loại phí phát sinh này, người chăn nuôi phải chịu, vì các DN sẽ đẩy phí đó vào trong giá thành TACN. Nhiều lúc, nhiều nơi, người chăn nuôi la làng giá thức ăn đắt, thì đây cũng là một trong các nguyên nhân”- lãnh đạo Hiệp hội TACN phân tích.

DN cám nội gần như càng làm càng lỗ

Theo Hiệp hội TACN Việt Nam, cả nước hiện có gần 200 DN sản xuất, chế biến TACN, trong đó có 11 DN do khó khăn đã ngừng sản xuất. DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hơn 50 Cty, chiếm trên 25% về số lượng, nhưng chiếm đến 60% sản lượng.

Những Cty đang chiếm lĩnh “làng” TACN Việt Nam (kể cả thức ăn thủy sản) CP, Cargill, Japfa, Emirets, Grobest, New Hope..., hầu hết là DN nước ngoài đến từ Trung Quốc, Mỹ... Các nhà máy của Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (thuộc tập đoàn CP Group) có sản lượng tới 2,5 triệu tấn, chiếm gần 20% sản lượng cả nước. Tập đoàn Cargill của Mỹ có sản lượng trên 1 triệu tấn.

Trong làng cám, một số tên tuổi nội nổi lên là Proconco, Vina, Dabaco, Lái Thiêu..., với sản lượng từ 300 đến 400 nghìn tấn/năm, có thể vươn lên, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Có 24 DN có sản lượng 10-20 nghìn tấn, 63 DN có sản lượng dưới 10 nghìn tấn/năm. Hầu hết các DN nhỏ này là DN nội, thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu, ăn đong. Ngoài ra, việc phân cấp đầu tư về cấp tỉnh, việc kêu gọi đầu tư, có sự co kéo khiến các DN trong nước không được ưu tiên (thiếu vốn, vay lãi suất cao..).

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) nói rằng, ngành TACN nội còn nhỏ lẻ. “Trong khi những DN FDI như CP, họ nhảy vào Việt Nam từ những năm 1990. Lúc đó, Việt Nam chưa biết nhà máy TACN thế nào, thì họ đã phát triển lớn, và bây giờ họ chiếm thị phần lớn là chuyện đương nhiên. Chỉ tính riêng phần lãi suất, các DN FDI họ vay chỉ 2-3%, còn DN nội tới 10-12% thì cạnh tranh thế nào được”, ông Lý nói.

Ông Lê Quang Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP TACN Thái Dương, cho rằng, do “miếng bánh” đã nhỏ, thậm chí DN cám nội còn tìm cách chơi xấu lẫn nhau để giành giật thị trường, nên gần như càng làm càng lỗ.

Theo ông Thành, có những DN sinh ra không cạnh tranh được, vì văn hóa kinh doanh, tính cộng đồng xã hội thấp. “Nhiều DN thực tế họ dựng Cty để tạo công ăn việc làm cho bản thân họ, chứ không phải là kinh doanh. Nhiều người biết chút ít khi làm cho Cty cám, nhưng cũng ra mở công ty riêng, trong khi tiền không có. Do không có thị trường, nên họ làm bừa, làm đại, cuối cùng làm khổ những đơn vị làm ăn bài bản”, ông Thành nói.

Theo Tienphong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang