Tiến sĩ cũng thi trượt đề đại học hiện nay

author 10:15 11/01/2013

(VietQ.vn) – TS Nguyễn Xuân Phong, Hiệu phó Đại học FPT cho rằng, với đề thi đại học (ĐH) hiện nay, ngay cả các tiến sĩ lâu ngày không động đến kiến thức phổ thông thì cũng trượt.

Với việc Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải nhiều phản ứng khác nhau của dư luận, một giải pháp là thiết kế kỳ thi ĐH sao cho ít phụ thuộc vào việc thí sinh học thuộc lòng, thì dù có “bỏ quên” kiến thức phổ thông, nếu có tố chất tốt, vẫn vượt qua được các kỳ thi đó.

Chất lượng Việt Nam có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Xuân Phong, phó Hiệu trưởng ĐH FPT.

TS Nguyễn Xuân Phong từng tu nghiệp tại Nga.
TS Nguyễn Xuân Phong từng tu nghiệp tại Nga. Ảnh: Thanh Niên

Ông suy nghĩ thế nào về Quy định mới thi liên thông mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành?

Việc cần có điều kiện nhất định nào đó để liên thông là đúng nhưng theo tôi cách thực thực hiện như vừa ban hành là chưa phù hợp. Thực tế với đề thi đại học như hiện nay thì ngay một tiến sỹ cũng khó lòng thi đỗ nếu để một thời gian không đụng đến.

Còn nếu cùng cải tiến cách thi đại học và việc thi liên thông thì có thể sẽ có một giải pháp phù hợp hơn. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì việc quan trọng nhất cũng phải là xác định cho đúng mục tiêu của những kỳ thi này: chỉ để tạo ra một rào cản nào đó cho công tác tuyển lựa hay để đảm bảo khả năng theo học được của sinh viên ở bậc học tương ứng. Theo tôi có vẻ như mục tiêu của quy chế này đang nghiêng về phương án thứ nhất.

Có ý kiến cho rằng, việc thi liên thông và nhiều vấn đề khác của giáo dục phổ thông (như việc giảm tải chương trình) đều có thể "giải được" rất đơn giản là:  đề thi của Bộ GD&ĐT nên học tập ĐH FPT. Thay vì học nhồi nhét thì học sinh có thể học nhẹ nhàng và phát hiện được năng lực thực sự của mình?

Tôi đồng ý với quan điểm rằng việc thi tốt nghiệp và thi đại học như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của học sinh ở bậc phổ thông. Đề thi của ĐH FPT được xây dựng để đáp ứng cho nhu cầu tuyển sinh của ĐH FPT, không phải là giải pháp phù hợp cho tất cả.

Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: đã là một trường đại học thì họ có trách nhiệm và có khả năng để tổ chức và lựa chọn cách thức thi đầu vào như thế nào là phù hợp nhất. Suy cho cùng thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về đầu ra trước sinh viên và xã hội và đấy mới là vấn đề mà chúng ta nên quan tâm.

Trong các quyết định của Bộ GD&ĐT hiện nay, luôn có vai trò lớn phản biện của báo chí. Nhưng có ý kiến cho rằng, nhiều tờ báo hiện nay còn thiếu sáng tạo, hay học theo cách làm của báo Tuổi Trẻ, nhất là lĩnh vực giáo dục, nên các vấn đề phản ánh còn trùng lặp. Ông có mong muốn gì để báo chí viết về giáo dục thực hiện tốt hơn vao trò của mình?

Tôi thấy làm báo chí cũng giống như làm giáo dục, quan trọng nhất là ở cái tâm. Cả 2 lĩnh vực này đều có tác động rất lớn đến cả xã hội và số phận mỗi con người nên cần nhìn xa và suy xét cho kỹ lưỡng từ nhiều góc độ trước khi làm.

Xin cảm ơn ông

 

Bộ GD-ĐT rụt rè đổi mới tuyển sinh

Dù đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, thiết kế đề thi tuyển sinh ĐH theo phương thức mới, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định, đến 2015 mới đổi mới thi cử.

Theo GS Lâm Quang Thiệp và PGS Nguyễn Văn Nhã, xứ mệnh thi 3 chung đã kết thúc.

Khi được hỏi về lý do không áp dụng cách thi đổi mới của ĐH Quốc gia Hà Nội, một vị là Cục phó cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT không có câu trả lời mà chỉ khẳng định: "ĐH Quốc gia không thể thi theo kiểu GMAT như các trường của Mỹ".

Tuệ Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang