Tiếp sức cho chiếu cói Nga Sơn

author 08:23 07/03/2013

Nghề dệt chiếu cói ở Nga Sơn (Thanh Hóa) nổi tiếng khắp cả nước với sản phẩm đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, nghề truyền thống này ngày càng sa sút vì khó khăn ở đầu ra, nhiều thị trường tiềm năng bị bỏ ngỏ và sản phẩm không phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện tại.

Nắm bắt được thực tế đó và mong muốn giữ gìn những giá trị của làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Nga Sơn, Công ty TNHH Cói Xanh của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ra đời nhằm khai thác thị trường đồ cói trong nước và gìn giữ, phát triển một làng nghề lâu đời.

Phạm Văn Xuân, một thành viên của dự án Cói Xanh, cho biết: "Để thực hiện dự án, cả nhóm đã về tận Nga Sơn để gặp gỡ người làm nghề, khảo sát và thăm dò đầu vào, đầu ra từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và bán sản phẩm ra thị trường. Đây là dự án hướng tới cung ứng các mặt hàng tiêu dùng như chiếu và đồ lưu niệm thủ công từ nguồn nguyên liệu cói Nga Sơn.

 

Thực tế, ý tưởng này không mới nhưng điểm vượt trội của chúng tôi chính là tầm nhìn phát triển và kế hoạch hành động cụ thể. Thị trường đồ cói trong nước còn khá tiềm năng, tuy nhiên, do chưa nhanh nhạy nắm bắt cơ hội và tâm lý "không chịu thay đổi" của các doanh nghiệp hiện tại ở Nga Sơn mà nghề cói chưa phát triển đúng tầm.

Khi thực hiện dự án này, nhóm Cói Xanh xác định tập trung xây dựng thương hiệu qua các đặc điểm nhận diện, từ logo, slogan tới nhãn mác và tem hàng - vốn là một điểm yếu của các doanh nghiệp sản xuất hàng lưu niệm Việt Nam".

Bên cạnh đó, nhóm cũng coi trọng các hướng cách tân và sáng tạo về mẫu mã của các sản phẩm hiện đã phân phối trên thị trường, sản xuất các mặt hàng theo thị hiếu của thị trường và xu hướng thời trang ở các thời điểm.

Làm cách nào để gia tăng giá trị sản phẩm truyền thống của cói Nga Sơn là mục tiêu đầu tiên của dự án với hai dòng sản phẩm chiếu cói và đồ lưu niệm. Thay vì chỉ đơn điệu là những chiếc chiếu cói (chiếu hoa, chiếu trắng, thêu tay...), Cói Xanh đa dạng hóa sản phẩm với nhiều sản phẩm mỹ nghệ, thời trang: túi xách, mũ, dép, thắt lưng... được dệt bằng những sợi cói truyền thống.

Những sợi cói qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành những sản phẩm bắt mắt, theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Cói Xanh chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu trên từng sản phẩm với bộ nhận diện, dịch vụ đi kèm.

Bên cạnh đó là áp dụng các phương pháp chống ẩm mốc cho sản phẩm: hệ thống sấy khô, đặc biệt là sử dụng keo Polyascera - công nghệ mới nhất trên thị trường để khắc phục những điểm hạn chế của cói truyền thống. Đối tượng khách hàng mà Cói Xanh hướng đến là những người có thu nhập trung bình và ở độ tuổi từ 15 - 25, sinh sống tại Hà Nội.

Sau khi lên ý tưởng, nhóm Cói Xanh mang dự án đến cuộc thi Khởi nghiệp 2012 và được đánh giá rất cao về tính thực tiễn. Từ đây, nhóm đưa dự án vào thực tế bằng việc thành lập công ty.

Phạm Văn Xuân cho biết: "Năm 2012, Cói Xanh triển khai thực hiện dự án, nhưng khó khăn chung của nền kinh tế cũng ảnh hưởng mạnh đến dự án. Cói Xanh đã tìm mọi cách tiết kiệm, cắt giảm, tối thiểu hóa các chi phí, đồng thời đang hoàn thiện khâu thiết kế và sản xuất cũng như đặt hàng những mẫu sản phẩm riêng mang dấu ấn Cói Xanh để tung ra thị trường theo đúng kế hoạch là mùa Hè năm tới".

Theo DNSG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang