Tiếp tục kiềm chế lạm phát dịp cuối năm

author 14:12 25/11/2019

(VietQ.vn) - Cần chủ động trong công tác kiểm soát giá, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra; cố gắng kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức 3,3-3,5%.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 2,24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 và đây là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong tháng 10 vừa qua, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 1,04%. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung dẫn đến giá thịt lợn tăng khiến cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm có sức ảnh hưởng lớn đến CPI, tăng cao nhất.

 Ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung dẫn đến giá thịt lợn tăng. Ảnh minh họa

Diễn biến CPI bình quân của 10 tháng (tăng 2,48%) so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 (tăng không quá 4%) cho thấy, có thể an tâm về tình hình và khả năng kiềm chế lạm phát của cả năm.

Để giữ chỉ số CPI đạt được và bảo đảm mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh, cần chủ động trong công tác kiểm soát giá, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra; cố gắng kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức 3,3-3,5%.

Từ nay đến cuối năm, các cơ quan hữu quan sẽ tập trung vào công tác bình ổn giá, nâng cao hiệu quả quản lý. Cụ thể, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, lực lượng quản lý thị trường đang bắt đầu mở đợt tổng kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019, trong đó yêu cầu các Cục Quản lý thị trường tập trung rà soát, nắm bắt tình hình các mặt hàng thiết yếu gồm giày dép, quần áo, thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia... tránh tình trạng găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, lực lượng tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm để xử lý tại một số địa bàn trọng điểm, dễ có nguy cơ tuồn hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc vào nội địa như: Quảng Trị, Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh, An Giang... Các bộ, ngành hữu quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Công an, Hải quan, chính quyền các địa phương đều có kế hoạch phối hợp, chủ động vào cuộc để nắm bắt tình hình nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý thị trường. Cùng với đó, các địa phương đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng, làm tốt công tác bảo quản cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phân phối lưu thông hàng hóa, hướng tới sự bình ổn giá trên thị trường.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang