Tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D)

author 14:32 27/11/2020

(VietQ.vn) - TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho biết, xét trên phương diện quốc gia, một nền kinh tế độc lập tự chủ thì phải làm chủ được khoa học công nghệ, làm chủ nghiên cứu phát triển, kể cả việc nhập khẩu công nghệ và phát triển nó.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta không kịp trở tay trước sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là ngành dệt may tới hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái thiếu hụt đơn hàng, đối tác hoãn, hủy hợp đồng, nhà máy phải ngưng hoạt động. Song với các doanh nghiệp có sự đầu tư R&D (đầu tư cho nghiên cứu phát triển), từ những năm trước đã kịp thời chuyển hướng để kịp thời thích ứng với tình hình mới. 

Một nền kinh tế độc lập tự chủ thì phải làm chủ được khoa học công nghệ, làm chủ nghiên cứu phát triển. Ảnh minh họa.

Minh chứng từ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, kết thúc tháng 9/2020, VitaJean ghi nhận doanh thu cả nội địa và xuất khẩu xấp xỉ năm 2019. Đồng thời, VitaJean còn chốt xong các đơn hàng đến năm 2021. Có được kết quả này, ngay từ thời điểm bùng phát dịch Covid1-19, VitaJean đã chuyển qua may khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ. Ở mảng nội địa, VitaJean đã đẩy mạnh bán online với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng. Sự đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ suốt nhiều năm qua đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và giữ nhịp tăng trưởng.

Đầu năm 2020, Samsung đã chính thức công bố việc xây dựng Trung tâm R&D mới tại Việt Nam. Đây là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, được xây dựng với vốn đầu tư 220 triệu USD, quy mô một tòa nhà 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, diện tích sàn 79.511 m2.

Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, thu hút 3.000 kỹ sư tới làm việc và không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G…

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho biết, xét trên phương diện quốc gia, một nền kinh tế độc lập tự chủ phải làm chủ được khoa học công nghệ, làm chủ nghiên cứu phát triển, kể cả việc nhập khẩu công nghệ và phát triển nó. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi kinh tế gia công và hội nhập hiệu quả được với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia gần đây. Bởi khi đầu tư cho R&D, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế như có sản phẩm độc lập không chịu phận gia công và tăng được năng suất lao động, giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại Việt Nam tất cả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển R&D đều đã có. Chẳng hạn chúng ta ngoài luật lệ chung có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoặc Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có ưu đãi nếu đầu tư vào R&D… Tuy vậy, các chính sách lại chưa đồng bộ, không tập trung, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Trong khi đó với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cái lớn nhất họ thiếu là công nghệ.

Vì thế cần phải có chính sách liên kết giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong vấn đề chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Cụ thể là giúp công nghệ cho họ chứ không hỗ trợ bằng cách đưa tiền như trước đây. Thêm vào đó cũng phải có ràng buộc là trừ nghiên cứu cơ bản, còn các nghiên cứu ứng dụng phải có sản phẩm, có ứng dụng mới nhận được tiền hỗ trợ. 

“Nếu chúng ta muốn khai thác lợi thế của những FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tham gia được vào chuỗi giá trị qua đầu tư công nghệ. Thậm chí, doanh nghiệp không tham gia xuất khẩu, chỉ làm nội địa cũng phải thay đổi mới tồn tại được”, TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo(VietQ.vn) - Sáng nay (11/11) Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang