Tiếp vụ không mua thuốc, không kết luận: Biết sai, không sửa!

author 06:08 16/07/2013

(VietQ.vn) - Dù biết có những vấn đề bất cập trong công tác quản lý dịch vụ khám chữa bệnh nhưng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn chưa khắc phục triệt để.

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam liên quan đến vấn đề rất nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bị “ép” phải mua thuốc rồi mới trả kết quả; bác sỹ “to tiếng” với bệnh nhân; giá thuốc bán đến tay người bệnh cao hơn giá thị trường từ 15 – 20%...

Đại diện cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm chính trị, bác sỹ chuyên khoa I, Đại tá Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, những vấn đề báo nêu là hoàn toàn chính xác và không phải đến nay mới có. Bệnh viện cũng đã biết, đã quán triệt nhiều lần, có các cơ chế thắt chặt và các nghị quyết thống nhất thực hiện, tuy nhiên những bất cập trong công tác quản lý và khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn còn đó. 

Các bác sỹ ở Bệnh viện 108 đang làm mất đi hình ảnh của người thầy thuốc đẹp

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hùng, đối với vấn đề “ép” bệnh nhân mua thuốc rồi mới trả kết quả, khiến cho bệnh nhân đến khám bất bình, phía bệnh viện có 2 điểm sai. Sai thứ nhất ở chỗ, nhân viên thanh toán tiền thuốc, hướng dẫn bệnh nhân mua hoặc không mua thuốc không đến nơi, đến chốn nên bệnh nhân có cảm giác bị “ép”. Không hướng dẫn rõ ràng, không làm cho bệnh nhân hiểu, cần phải quay trở lại nơi khám để xin bác sỹ đơn thuốc.

Sai thứ hai là việc khi bệnh nhân đã quay trở lại nơi khám bệnh ban đầu, đề nghị bác sỹ kê đơn thuốc cho, lúc đó bác sỹ có nhiều bệnh nhân, áp lực mệt mỏi nên có thể có những thái độ không hợp lý.

Tuy nhiên, trước phản ánh về việc, sáng ngày 12/7/2013, PV chứng kiến một bệnh nhân có được hướng dẫn và trở lại gặp bác sỹ tại nơi khám ban đầu để đề nghị được kê đơn thuốc lại và ra mua thuốc ở ngoài nhưng bác sỹ lại nói rằng không phải cứ có tiền là có đơn thuốc, cùng lắm, “tình cảm” thì mới cho đơn thuốc viết tay.

Cũng tại thời gian đó, PV cũng chứng kiến bệnh nhân đưa đơn thuốc vào quầy thanh toán tiền bằng “giấy nhắc việc màu vàng”, không phải mẫu đơn thuốc như bệnh viện vẫn thường sử dụng. Ngoài ra, còn có hiện tượng, nhiều bà bầu đi khám thai, không muốn mua thuốc, nhưng nếu không mua, không nhận được phiếu kết quả. Nhiều bà bầu ngậm ngùi, “lách” bằng cách, xin mua 1/2 đơn thuốc để được nhận phiếu kết quả.

Dù đơn thuốc chỉ là "giấy nhắc việc", không đúng mẫu của bệnh viện nhưng vẫn hợp lệ? Ảnh: N. N
Dù đơn thuốc chỉ là "giấy nhắc việc", không đúng mẫu của bệnh viện nhưng vẫn hợp lệ? Ảnh: T. S

Trả lời câu hỏi này, phía Bệnh viện 108 cho rằng, giữa đơn thuốc viết tay và đơn thuốc in ra, giá trị pháp lý như nhau. Nhưng các đơn đó phải có mẫu cụ thể, của bệnh viện ấn hành, theo quy định của bệnh viện, không phải là “tờ giấy nhắc việc mầu vàng” như PV phản ánh và điều đó là không thể chấp nhận được.

Liên quan đến việc giá thuốc kê cao hơn giá thị trường, trong đó đa phần thuốc được kê giá cao toàn là loại thuốc bổ, đại diện phía Bệnh viện 108 cho biết, Bệnh viện thực hiện các quy định không nằm ngoài quy định của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.

“Giá thuốc đắt hay rẻ đều có trong phạm vi cho phép. Bệnh viện thực hiện theo quy định của Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 về hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện. Mức tăng trong giới hạn nhất định. Có những thuốc bệnh viện lấy mức giá cao nhất nhưng có những thuốc không lấy lãi của người bệnh”, Đại tá Hùng nói.

Cũng theo Đại tá Hùng, việc tăng giá vô tội vạ của các hãng dược thời gian qua, cộng với tỷ lệ tăng thêm trong giới hạn cho phép của Bộ Y tế lại làm cho giá thuốc càng cao hơn. Các hãng tăng giá thuốc khoảng 20% chỉ để biếu bác sỹ, biếu người kê nhiều đơn, biếu cửa hàng thuốc…

Không chỉ sai phạm trong quá trình cấp thuốc, khám bệnh cho bệnh nhân, Bệnh viện quân y Trung ương 108, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc Phòng còn có những sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng hình ảnh bản đồ quốc gia. Chất lượng Việt Nam tiếp tục liên hệ với cơ quan chủ quản của Bệnh viện 108 và lãnh đạo các cấp làm rõ việc này. (Còn nữa).

Theo điểm 4, điều 6, chương III của Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế quy định về hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc: Giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua ghi trên hóa đơn và thặng số bán lẻ; giá bán lẻ không được cao hơn giá thuốc cùng loại trên thị trường (là thuốc có cùng tên thuốc, hàm lượng, dạng bào chế, hãng sản xuất và nước sản xuất).

a) Đối với các mặt hàng thuốc có trong danh mục đấu thầu của chính bệnh viện: Giá thuốc mua vào của cơ sở bán lẻ thuốc không được cao hơn giá thuốc trúng thầu cùng thời điểm.

b) Đối với các mặt hàng thuốc không có trong danh mục đấu thầu của bệnh viện hoặc các mặt hàng thuốc mà nhà cung ứng từ chối bán với giá trúng thầu do giá thị trường biến động cao hơn giá trúng thầu: Giám đốc bệnh viện quyết định và chịu trách nhiệm đối với danh mục thuốc và giá thuốc mua vào.

Khi mua các mặt hàng nêu trên, bệnh viện yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giá bán buôn đã kê khai hoặc kê khai lại với cơ quan quản lý nhà nước về giá của thuốc (Cục Quản lý dược hoặc Sở Y tế) để kiểm tra, không được mua các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại hoặc chưa tiến hành việc kê khai giá thuốc theo quy định.

Tại điểm 5 của Thông tư nói: Bộ Y tế quy định thặng số bán lẻ tối đa của thuốc thành phẩm tại cơ sở bán lẻ thuốc như sau:

a) Đối với cơ sở bán lẻ thuốc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng thí điểm, bệnh viện tuyến tỉnh trừ các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng, phục hồi chức năng tuyến tỉnh:

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 15%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 10%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 7%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 5%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000đ, thặng số bán lẻ tối đa là 2%.

b) Đối với bệnh viện chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng, phục hồi chức năng tuyến tỉnh; bệnh viện trực thuộc Y tế Ngành; bệnh viện tuyến huyện bao gồm Trung tâm Y tế huyện ở nơi không có bệnh viện đa khoa huyện riêng; bệnh viện đa khoa khu vực; bệnh viện chuyên khoa khu vực:

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 20%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 15%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 10%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 7%.

- Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 5%.

c) Đơn vị đóng gói nhỏ nhất được quy định như sau:

- Đối với dạng bào chế là viên, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là viên.

- Đối với dạng bào chế là dạng lỏng, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là ống, chai, lọ, túi, ống tiêm, xy lanh đóng sẵn thuốc.

- Đối với dạng bào chế là dạng bột pha tiêm, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là ống, chai, lọ, ống tiêm đóng sẵn thuốc.

- Đối với dạng bào chế là dạng bột, cốm pha uống, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là gói, chai, lọ.

- Đối với dạng bào chế là kem, mỡ, gel dùng ngoài, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là tuýp, lọ.

- Đối với dạng bào chế là thuốc dán, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là miếng dán.

- Đối với dạng bào chế là thuốc xịt hay thuốc khí dung, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là lọ xịt hoặc lọ đựng thuốc dùng cho máy khí dung.

- Đối với dạng bào chế là bộ kít phối hợp, đơn vị đóng gói nhỏ nhất là bộ kít.

Long  Sơn - Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang